Chính sách ‘lộn xộn’ của Mỹ tại Syria

Gayle Tzemach Lemmon, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ) cho rằng chính sách của Mỹ về vấn đề Syria đang trong tình trạng hỗn loạn.

Ảnh: Farsnews


Mỹ và Anh gần đây tuyên bố ngừng viện trợ phi sát thương cho lực lượng đối lập tại miền bắc Syria sau khi Mặt trận Hồi giáo, lực lượng Hồi giáo nổi dậy lớn nhất Syria, chiếm các căn cứ quan trọng của Quân đội Syria Tự do (FSA).

Trong nhiều tháng Mỹ viện trợ vũ khí hạng nhẹ, thiết bị thông tin liên lạc và máy tính cho FSA, nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó vì lo ngại rằng nếu cung cấp vũ khí hạng nặng cho lực lượng này, nguy cơ chúng rơi vào tay những kẻ Hồi giáo cực đoan là rất lớn. Và chỉ mới tuần trước, lực lượng Hồi giáo nổi dậy lớn nhất tại Syria đã đánh chiếm trụ sở, kho vũ khí và cướp một số máy tính xách tay của FSA.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva dự kiến tổ chức vào tháng tới đang phải đối mặt với một trận chiến khó khăn hơn trong việc đưa ra một kế hoạch lập lại hòa bình ở Syria trong bối cảnh xung đột leo thang và số dân thường thiệt mạng ngày càng tăng lên, dẫn đến một loạt các vấn đề xã hội như vấn đề nhân đạo, bệnh bại liệt, nạn đói, trong khi quân đội của Tổng thống Assad với sự giúp đỡ của Iran và các chiến binh Hezbollah đang từng bước tiêu diệt các nhóm phiến quân vốn đang bị chia rẽ nghiêm trọng.

Chính các nhà hoạch định chính sách của Mỹ về vấn đề Syria thừa nhận rằng Bộ Ngoại giao nước này rất khó để đưa ra được một lịch trình cụ thể về hội nghị Geneva sắp tới ngay cả khi FSA có giành được một chút thắng lợi trên chiến trường để gây sức ép nhất định trên bàn đàm phán với Tổng thống Assad.

Trước đó, Mỹ đã hứa viện trợ ở mức độ vừa phải cho FSA để đủ sức áp đảo lực lượng Hồi giáo nổi dậy tại Syria. Tuy nhiên, theo nhóm vận động viện trợ vũ trang cho Syria, hay còn gọi là Hội đồng quân sự cấp cao (SMC), đồng minh của FSA đã không viện trợ một cách phù hợp. “Đáng lẽ tình hình có thể khác đi và chúng tôi có thể chiến đấu tốt hơn, nhưng các tay súng Hồi giáo cực đoan lại được tài trợ nhiều hơn”, Dan Layman thuộc nhóm vận động hỗ trợ cho FSA có trụ sở tại Washington cho biết.

Như vậy, sự do dự của Tổng thống Obama về vấn đề Syria đặt ra câu hỏi: Chính sách của Mỹ ở đất nước Trung Đông này chính xác là gì? Mùa hè năm 2011, ông Obama nói rằng "đã đến lúc Tổng thống Assad phải từ bỏ quyền lực". Tuy nhiên, chính sách thực sự của Mỹ ở Syria có vẻ như ngăn chặn hơn là thay đổi chế độ.

Đầu năm nay, Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey công khai đề nghị sử dụng lực lượng quân sự để giữ cho cuộc xung đột không lan ra bên ngoài Syria, nhưng không can thiệp trực tiếp. Quyết định của chính quyền Obama trong tháng 9 vừa qua hủy bỏ cuộc tấn công quân sự và ủng hộ đàm phán về một thỏa thuận với ông Assad để tiêu hủy các kho vũ khí hóa học tại nước này cũng là một ví dụ minh chứng thêm về khẳng định trên.

Đại sứ Mỹ tại Trung Đông và từng là cố vấn đặc biệt về Iran cho cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, Dennis Ross thì nhận định: "Chúng tôi rõ ràng không có mục tiêu cụ thể nào về vấn đề Syria. Nếu không có mục tiêu, bạn không thể xác định những giải pháp để thực hiện. Chúng tôi không có bất kỳ động lực nào”.

"Chúng tôi đang đánh giá những gì đã xảy ra cũng như chúng ta ở đâu về vấn đề Syria. Nó phản ánh sự phức tạp của vấn đề, có rất nhiều yếu tố nguy hiểm. Chúng ta biết al-Nusra, al-Qaeda , các nhóm Hồi giáo cực đoan, các nhóm khủng bố khác có liên quan đến điều này. Vì vậy, đây không chỉ là sự lựa chọn dễ dàng giữa người tốt và kẻ xấu", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn hy vọng vào một giải pháp ngoại giao và tiếp tục theo đuổi nỗ lực này thông qua tổ chức hội nghị Geneva II vào tháng tới.

Điều chắc chắn là tình hình vốn đã phức tạp tại Syria và ngày càng tăng lên sẽ khó kiểm soát hơn và một chính quyền của Tổng thống Assad vốn trước đây được cho là không còn phù hợp tại Syria thì nay vẫn là sự lựa chọn tốt nhất cho tất cả các bên liên quan.


CT (Theo Defenceone)

Italy cho phép trung chuyển vũ khí hóa học của Syria
Italy cho phép trung chuyển vũ khí hóa học của Syria

Italy đồng ý để một hải cảng của nước này thành địa điểm cho các tàu có nhiệm vụ chở vũ khí hóa học của Syria tiến hành công việc chuyển giao trước khi chuyển những chất độc chết người này đến nơi tiêu hủy ở ngoài khơi Địa Trung Hải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN