Trước đó một ngày, chính quyền Thượng Hải đã phân loại hơn 7.000 khu dân cư là khu vực có nguy cơ thấp khi không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 nào trong vòng 14 ngày và một số khu dân cư đặc thù ở các quận cho phép người dân ra khỏi nhà. Tuy nhiên, trong khi một số người được phép ra khỏi nhà trong ngày 12/4, vẫn còn nhiều người đang đợi sự cho phép của chính quyền.
Theo giới chức Thượng Hải, người dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ thấp hơn, được biết đến là "khu vực phòng ngừa", vẫn phải chịu sự kiểm soát và phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Sau một thời gian dài phong tỏa, nhiều người muốn ra ngoài hít thở không khí, mua sắm thực phẩm, thuốc men và đi chữa bệnh. Tuy nhiên, nếu nhiều người tụ tập không kiểm soát sẽ gây ra những nguy cơ tiềm ẩn đối với công tác phòng chống dịch.
Hiện chính quyền Thượng Hải cũng đang nỗ lực mở lại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và hiệu thuốc, song các cơ sở kinh doanh không thiết yếu vẫn sẽ bị đóng cửa.
Trung Quốc hiện đang phong tỏa toàn bộ hoặc một phần đối với 45 thành phố, chiếm 26,4% dân số cả nước. Thủ tướng Lý Khắc Cường cảnh báo Trung Quốc cần “hết sức cảnh giác” trước những áp lực suy giảm kinh tế và cho biết cuộc chiến chống COVID-19 cần phải kết hợp với phát triển kinh tế và xã hội.
Cũng trong ngày 11/4, người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan Chen Shih-chung dự báo số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày tại vùng lãnh thổ này có thể vượt mốc 1.000 người vào cuối tháng 4, đồng thời kêu gọi người dân không nên hoảng sợ về làn sóng lây nhiễm này.
Đài Loan là một trong những mô hình kiểm soát thành công đại dịch COVID-19, với việc triển khai sớm và hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, bao gồm đóng cửa biên giới và truy vết hiệu quả. Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, hòn đảo với 23 triệu dân đã ghi nhận khoảng 4.000 ca lây nhiễm trong cộng đồng, chủ yếu là biến thể Omicron.
Kể từ khi đại dịch bùng phát hơn 2 năm trước, Đài Loan đã ghi nhận khoảng 28.000 ca mắc COVID-19 và 854 ca tử vong.