Chính quyền quân sự Ai Cập tuyên bố không lùi bước

Hội đồng Tối cao các Lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF), hiện nắm quyền điều hành đất nước, ngày 10/2 khẳng định sẽ không nhượng bộ trước bất cứ sự đe dọa hay sức ép nào, đồng thời đề cập đến những mưu đồ phản quốc. Tuyên bố cứng rắn này được đưa ra một ngày trước khi dự kiến diễn ra biểu tình quy mô lớn và tổng đình công để kỷ niệm 1 năm lật đổ chế độ của cựu Tổng thống Hosni Mubarak.

Trong một thông báo phát trên Đài Truyền hình nhà nước, SCAF khẳng định chính quyền kiên quyết không nhượng bộ trước những lời đe dọa và sức ép cũng như sự áp đặt. SCAF nêu rõ: "Ai Cập đang đối mặt với những kế hoạch nhằm đánh vào cuộc cách mạng, những âm mưu chống lại quốc gia, mà mục đích là phá hoại các cơ quan nhà nước và lật đổ chính phủ nhằm gây hỗn loạn trên cả nước".

Chiều cùng ngày, hàng nghìn người Ai Cập đã tập trung biểu tình gần trụ sở Bộ Quốc phòng yêu cầu SCAF trao lại quyền lực cho một chính phủ dân sự. Sau lễ cầu nguyện cuối tuần tại một đền thờ lớn ở trung tâm thủ đô Cairô, những người biểu tình đã tuần hành và tụ tập gần trụ sở Bộ Quốc phòng. Lực lượng quân cảnh đã phong toả con đường dẫn tới cơ quan này với hàng rào dây thép gai và xe thiết giáp.


Những người biểu tình xung đột với cảnh sát ở thành phố Suez, ngày 3/2. Ảnh: AFP/TTXVN



Các phong trào ủng hộ dân chủ đã kêu gọi tổng đình công trong ngày 11/2 trên hệ thống tin nhắn SMS, báo chí và các trang mạng xã hội. Sau lời kêu gọi này, quân đội đã thông báo triển khai lực lượng trên khắp cả nước nhằm bảo đảm an ninh. Về phần mình, tổ chức "Anh em Hồi giáo", lực lượng chính trị có ảnh hưởng lớn nhất tại Ai Cập và cũng là lực lượng giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện vừa qua, đã tuyên bố không ủng hộ lời kêu gọi trên.

Trong khi đó, ngày 10/2, cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard and Poor's (S&P) đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Ai Cập từ B+ xuống còn B do dự trữ ngoại tệ của nước này giảm mạnh và tình hình chính trị bất ổn. S&P cũng khẳng định tín nhiệm ngắn hạn của Ai Cập ổn định ở mức B, với viễn cảnh tiêu cực.

S&P cho biết, quyết định này được đưa ra là do viễn cảnh tiêu cực có thể gây ra tình trạng suy thoái mới nếu Chính phủ Ai Cập không thành công trong việc ngăn chặn đà giảm dự trữ ngoại tệ hay môi trường chính trị bất ổn. S&P cho biết lượng dự trữ ngoại tệ của Ai Cập đã giảm từ 36 tỷ USD xuống còn 16 tỷ USD chỉ trong vòng 1 năm qua.

Ai Cập hiện đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để nhận khoản viện trợ 3,2 tỷ USD và đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB) cấp khoản tín dụng 1 tỷ USD. Bộ trưởng Tài chính Ai Cập Momtaz Saïd cho rằng nước này cần khoảng 11 tỷ USD trong hai năm để phục hồi kinh tế.

Ai Cập đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng kể từ sau biến cố ngày 25/1/2011 dẫn tới sự sụp đổ của chế độ Mubarak do thu nhập từ ngành du lịch và đầu tư nước ngoài giảm mạnh.

TTXVN/Tin Tức



Ai Cập: "Anh em Hồi giáo" yêu cầu giải tán chính phủ
Ai Cập: "Anh em Hồi giáo" yêu cầu giải tán chính phủ

Người phát ngôn của phong trào "Anh em Hồi giáo", khối chính trị hiện có ảnh hưởng lớn nhất tại Ai Cập, Mahmud Ghozlan đã kêu gọi giải tán chính phủ lâm thời hiện nay và yêu cầu thành lập một nội các mới do tổ chức này lãnh đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN