Chính quyền Obama nỗ lực tăng lương tối thiểu cho lao động Mỹ

Trong một nỗ lực nhằm tạo thêm nhiều tiếng nói đồng thuận ủng hộ việc nâng mức lương tối thiểu cho người lao động Mỹ, ngày 19/2, Tổng thống Barack Obama tiếp tục kêu gọi Quốc hội, chính quyền các bang cũng như các tập đoàn, công ty nước này sớm có hành động cụ thể.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn tuyên bố của Tổng thống Obama cho biết chỉ có hành động từ phía Quốc hội mới có thể tạo nên "sự khác biệt" trên cả nước. Theo ông chủ Nhà Trắng, đây là thời điểm thích hợp để các nghị sỹ hai viện Quốc hội thông qua dự luật nâng lương cho người lao động mà ông vừa đề xuất với mức tối thiểu là 10,1 USD/giờ, bằng với mức lương mới của các nhân viên liên bang.

Tổng thống Obama đồng thời hoan nghênh tuyên bố mới đây của Gap Inc., công ty bán lẻ hàng may mặc lớn nhất của Mỹ, về kế hoạch tăng lương cho khoảng 65.000 nhân viên bắt đầu từ năm nay.

Ngày 12/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama ký đạo luật tăng lương mức tối thiểu cho các nhân viên liên bang tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington D,C. Ảnh: THX-TTXVN


Trước đó một tuần, Tổng thống Obama đã ký Sắc lệnh hành pháp nâng lương tối thiểu cho đội ngũ nhân viên liên bang từ mức 7,25 USD/giờ lên 10,1 USD/giờ. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh đến các lý do mà Quốc hội cần sớm thông qua dự luật này, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đạt tăng trưởng trong 4 năm qua và các doanh nghiệp nước này đã tạo thêm 8,5 triệu việc làm mới. Theo Tổng thống Mỹ, quyết định nâng lương sẽ mang lại lợi ích cho mọi người dân thuộc mọi tầng lớp, tác động đến khoảng 28 triệu người Mỹ.

Giới phân tích cho rằng dự luật nâng lương tối thiểu cho tất cả người lao động Mỹ sẽ vấp phải sự phản đối của các nghị sỹ Cộng hòa với lý do có thể gây tổn hại cho các doanh nghiệp. Một số nghị sỹ Dân chủ cũng không thực sự ủng hộ văn kiện này.

Hiện gần một nửa số bang ở Mỹ áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn mức chuẩn 7,25 USD/giờ nhưng vẫn thấp hơn mức 10,1 USD/giờ mà Tổng thống Obama đề xuất. Kết quả một cuộc khảo sát mới đây do CNN thực hiện cho thấy 73% số người được hỏi ủng hộ việc tăng lương tối thiểu trên toàn quốc.

* Nhà Trắng lạc quan về triển vọng thông qua dự luật cải cách nhập cư

Trong bối cảnh dự luật cải cách nhập cư vẫn đang bị "treo" tại Hạ viện do còn nhiều bất đồng giữa thành viên hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, ngày 19/2, Nhà Trắng đã bày tỏ lạc quan về triển vọng văn kiện này được phê chuẩn trong năm nay, theo đó tạo điều kiện cho phần lớn trong hơn 11 triệu người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp được trở thành công dân Mỹ.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu ngày 19/2, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết Tổng thống Barack Obama tin rằng năm 2014 là “thời điểm chín muồi” để dự luật cải cách nhập cư được thông qua. Trong thời gian gần đây, Hạ viện đã và đang có các bước đi cụ thể nhằm đưa ra các nguyên tắc và tiêu chuẩn để có thể thông qua dự luật cải cách nhập cư, vốn đã được Thượng viện phê chuẩn trước đó.

Giới chuyên gia nhận định nếu được thông qua, dự luật này sẽ trở thành cuộc cải cách đầu tiên trong luật nhập cư của Mỹ kể từ năm 1986, mở ra cơ hội cho những người nhập cư hợp pháp hóa quyền cư trú của mình. Sự kiện này cũng sẽ giúp Nhà Trắng vực dậy phần nào uy tín của Tổng thống Obama sau một thời gian dài sụt giảm nghiêm trọng do những thiếu sót trong quá trình triển khai Đạo luật Cải cách y tế, được biết đến với tên gọi ObamaCare, và tình trạng "giậm chân tại chỗ" của dự luật kiểm soát súng đạn.


TTXVN/Tin tức

Tác động hai mặt của đề xuất tăng lương tối thiểu tại Mỹ
Tác động hai mặt của đề xuất tăng lương tối thiểu tại Mỹ

Việc nâng mức lương tối thiểu tại Mỹ sẽ giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo, nhưng cũng kéo theo khoảng nửa triệu người lao động có nguy cơ mất việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN