Chính phủ Libi sẵn sàng thay đổi hệ thống chính trị

* EU kêu gọi Tổng thống Yêmen chuyển giao quyền lực

Người phát ngôn chính phủ Libi, Mussa Ibrahim, ngày 5/4 cho biết Libi sẵn sàng tổ chức các cuộc bầu cử và cải cách hệ thống chính trị của nước này, tuy nhiên ông này cũng khẳng định chỉ người dân Libi mới có thể quyết định việc nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi có thể tiếp tục cầm quyền hay không.
Phát biểu với các phóng viên tại thủ đô Tripôli, ông Ibrahim cho rằng mọi thứ đều có thể đàm phán, ngoại trừ sự ra đi của nhà lãnh đạo Kadhafi, đồng thời cáo buộc các nước phương Tây gây sức ép buộc ông Kadhafi phải ra đi là vì những toan tính riêng và những lợi ích kinh tế.

Ông Mohammed Ismail, nhân vật chủ chốt trong chính quyền của nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi tới London(Anh) để thảo luận về biện pháp đưa Libi thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. AFP/TTXVN

Trong khi đó, chiến sự vẫn diễn ra ác liệt và giằng co tại Libi. Ngày 5/4, máy bay chiến đấu của NATO lại tiến hành các đợt không kích vào lực lượng của nhà lãnh đạo Kadhafi ở gần thành phố Brega, miền đông Libi. Trước đó, lực lượng nổi dậy đã tiến hành cuộc tấn công mới để giành lại thành phố dầu mỏ này. Trong mấy tuần qua, các tay súng phe chống chính phủ nhiều lần bị đánh bật ra khỏi Brega và sau đó, với sự hỗ trợ từ hỏa lực của liên quân, lực lượng này lại trở lại thành phố. Việc kiểm soát được Brega, nơi có nhà máy lọc dầu và cảng xuất khẩu, được coi là rất quan trọng vì đây là nguồn tài trợ cho lực lượng đối lập mua vũ khí. Còn tại Misrata, quân đội chính phủ Libi vẫn đang siết chặt vòng vây bất chấp việc họ đang trở thành mục tiêu không kích của phương Tây.

Theo các nhà phân tích, quân đội của ông Kadhafi sẽ không liều mạng vào sâu hơn trong khu vực mà phe đối lập đang kiểm soát vì hành động này sẽ buộc quân đội phải đi xuyên qua sa mạc trống trải, nơi họ có nhiều nguy cơ phải hứng chịu các cuộc không kích của NATO.

* Tại Yêmen, phe đối lập ở nước này ngày 5/4 cho biết sẵn sàng tổ chức các cuộc tiếp xúc với chính quyền của Tổng thống nước này Ali Abdullah Saleh tại Arập Xêút, nhưng sẽ chỉ thảo luận vấn đề “chuyển giao quyền lực”. Về phần mình, Tổng thống Saleh cùng ngày tuyên bố không từ chức, đồng thời khẳng định sẽ đứng vững và cam kết bằng mọi cách bảo vệ tính hợp hiến của chính phủ.

Trong khi đó, làn sóng biểu tình đòi Tổng thống Saleh từ chức tiếp tục gia tăng tại nhiều nơi ở Yêmen. Theo các nguồn tin nước ngoài, tại tỉnh Taez, ít nhất 17 người đã thiệt mạng và hơn 300 người bị thương, trong đó có nhiều người bị thương nặng, trong các vụ đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình. Xung đột giữa hàng nghìn người biểu tình với cảnh sát và những người ủng hộ chính phủ cũng diễn ra tại tỉnh Hodayda, làm khoảng 300 người bị thương.

Báo chí Mỹ tiết lộ rằng Nhà Trắng đã quyết định chấm dứt việc ủng hộ ông Saleh, đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Theo Thời báo New York số ra ngày 4/4, Oasinhtơn đã tham gia tiến trình thương lượng về kế hoạch từ chức của ông Saleh, được khởi động từ hơn một tuần trước. Trọng tâm cuộc thương lượng là đề xuất ông Saleh chuyển giao quyền lực cho một chính phủ lâm thời dưới sự lãnh đạo của phó tổng thống cho tới khi các cuộc bầu cử mới được tổ chức.

Hải Hạnh (Tổng hợp)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN