Chiều nay, 115 vị Hồng y bầu Giáo hoàng mới

Thế giới Thiên chúa giáo hầu như chắc chắn sẽ biết danh tính của vị Giáo hoàng mới vào ngày thứ sáu tuần này, mặc dù về lý thuyết, tên của người đứng đầu Vatican có thể lộ diện ngay trong chiều hôm nay, 12/3, khi 115 vị Hồng y bắt đầu cuộc bỏ phiếu bầu, được gọi là Mật nghị Hồng y, tại Nhà nguyện Sistine.


Chiều 12/3, 115 vị Hồng y bắt đầu bỏ phiếu bầu Giáo hoàng mới, kế nhiệm Giáo hoàng thoái vị Benedict XVI.



Các tín đồ Thiên chúa toàn cầu đều đang hồi hộp chờ đợi với niềm phấn khích bởi lần đầu tiên trong hàng thế kỷ qua, đã có cơ hội thực sự dành cho một vị Giáo hoàng không phải người châu Âu. Một trong các gương mặt sáng giá hàng đầu hiện nay là Tổng giám mục xứ Quebec, Marc Ouellet và một số cái tên khác từ châu Mỹ và Mỹ Latin.

Một trong những điều được chờ đợi không kém khác là liệu các Hồng y Italy có thể giành lại ghế Giáo hoàng sau 35 năm trị vì của cố Giáo hoàng John Paul II, người Ba Lan, và Giáo hoàng thoái vị Benedict XVI, người Đức, hay không.

Mật nghị Hồng y sẽ kéo dài bao lâu?



Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các cuộc Mật nghị Hồng y thường kéo dài từ 2 đến 4 ngày, với 3-8 lần bỏ phiếu mỗi cuộc. Do không có ứng cử viên nào vượt trội, Mật nghị Hồng y lần này được dự báo có thể kéo dài ít nhất 3 ngày, có thể là 4, với nhiều vòng bỏ phiếu trước khi khói trắng bay lên từ Nhà nguyện Sistine. Người chiến thắng sẽ phải đạt được ít nhất 2/3 số phiếu đồng ý, tương đương với 77 lá phiếu.

Cuộc mật nghị dài nhất trong lịch sử đã kéo dài 181 ngày, cuối cùng bầu ra Giáo hoàng Benedict XIV vào năm 1740. Các cuộc bỏ phiếu đã kéo dài đến mức trong khoảng thời gian đó, có tới 4 trong số 51 Hồng y giáo chủ qua đời.

Cuộc mật nghị ngắn nhất diễn ra trong 2 ngày, với ba đợt bỏ phiếu vào năm 1939, và chiến thắng thuộc về Giáo hoàng Pius XII.


Tại sao không có ứng viên nổi bật?

Nhà phân tích về Vatican, Thomas Reese cho rằng có một vài giả thuyết. Một là có 24 trong số 115 vị Hồng y vừa được bổ nhiệm năm 2012, họ vẫn đang trong thời kỳ “làm quen” và có thể chưa biết nên ủng hộ cho ai. Hai là, 28 vị Hồng y người Italy, những người có thể làm thay đổi tình thế nếu họ bỏ phiếu theo “liên minh”, thì lại đang bị chia rẽ: một phe bầu cho Hồng y Tarcisio Bertone, một phe lại cho rằng, ông này là vị Quốc vụ khanh tệ nhất trong lịch sử Vatican.

Tỉ lệ đặt cược?

Trang cá cược oddschecker.com đặt tỉ lệ cược cao nhất cho 5 vị Hồng y là: Angelo Scola của Italy, Peter Turkson, người Ghana, Tarcisio Bertone – Italy; Odilo Scherer - Brazil và Marc Ouelle – Canada. Trong đó ông Ouellet được cược cao nhất, 10-1.


Nhà nguyện Sistine có gì mới?

Nhà nguyện Sistine, nơi diễn ra Mật nghị Hồng y.



Nhà nguyện Sistine đã trải qua một thay đổi lớn, ấn tượng nhất là hai bếp lò ở phía sau nhà, được nối với hai ống dẫn bằng đồng, có nhiệm vụ phun khói lên nóc. Bếp lò bên phải được dùng để đốt các lá phiếu sau mỗi vòng bỏ phiếu; bếp lò bên trái có nhiệm vụ tạo khói. Khói đen báo hiệu chưa có kết quả, khói trắng báo hiệu đã bầu được giáo hoàng. Người ta sẽ sử dụng một hóa chất để làm khói có màu trắng, mặc dù hồi năm 2005 đã xảy ra sự cố là khói có màu xám.

Cuộc bỏ phiếu hàng ngày diễn ra thế nào?

Cuộc bỏ phiếu đầu tiên bắt đầu lúc 16h45, giờ Rome, ngày 12/3. Trong nhiều thập kỷ trở lại đây, không một vị Hồng y nào thắng ở ngay vòng thứ nhất này.

Trong ngày tiếp theo, các cuộc bỏ phiếu bắt đầu từ 9h30 trong buổi sáng và 16h50 trong buổi chiều. Khi đã xác định danh tính giáo hoàng mới, vị này sẽ phải tuyên thệ và được cấp các lễ phục mới. Tân giáo hoàng cũng phải lựa chọn tên hiệu cho mình. Sau đó, ông sẽ tới bancông Basilica của nhà thờ St Peter để chào đám đông. Toàn bộ thủ tục này chỉ mất khoảng 45 phút.

Mật nghị Hồng y được giữ bí mật ra sao?

Các cửa sổ của Nhà nguyện Sistine và những căn phòng gần đó đều bị che kín bằng sơn trắng để ngăn các tay săn ảnh tác nghiệp.

Các thiết bị điện tử cũng được lắp đặt để theo dõi bất cứ người nào liên quan đến quá trình bỏ phiếu, gồm các Hồng y, trợ lý, nhân viên an ninh, và ngăn chặn họ liên lạc với thế giới bên ngoài. Mục đích là tránh lặp lại sự cố năm 2005, khi một vị Hồng y người Đức để rò rỉ thông tin về việc Đức Hồng y Joseph Ratzinger được chọn là tân Giáo hoàng, dẫn đến việc một kênh truyền hình Đức tiết lộ tên của ông trước khi có công bố chính thức từ Vatican.



Thu Hằng  (Theo Globe and Mail)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN