Chiến tranh đẩy nông nghiệp Israel vào cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử

Tình trạng thiếu lao động do chiến tranh đang gây ra cuộc khủng hoảng lớn nhất đối với ngành nông nghiệp Israel kể từ khi đất nước được thành lập vào năm 1948.

Chú thích ảnh
Ông Amos Trabelsey trong nhà kính trồng cà chua tại nông trang Sharsheret ở Israel, vào tháng 1/2024. Ảnh: El Pais

Theo tờ El Pais, cây trồng đang khô héo gần Gaza và Liban (Lebanon). Các nhà chức trách Israel phải gấp rút tuyển dụng công nhân từ Ấn Độ, Malawi và Sri Lanka để bù đắp cho sự ra đi của người Thái Lan, lệnh cấm người Palestine và nhiều người Israel phải nhập ngũ.

Ông Amos Trabelsey, một nông dân Israel có nông trang gần Gaza, gợi ý rằng nên hái tất cả cà chua có trên thân cây. “Nếu không thì đằng nào chúng sẽ thối rữa. Chẳng có ai hái cả”, ông nói với thái độ thực dụng hơn là tủi thân trong nhà kính giờ đã trống rỗng của mình ở moshav (hợp tác xã nông nghiệp) Sharsheret, nằm cách Gaza khoảng 14 km trên một vùng đồng bằng dài được mệnh danh là “vựa hoa quả” của Israel. Khoảng 45 người từng làm việc cho doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ này của ông cho đến khi cuộc tấn công của Hamas xảy ra ở ngay cổng Sharsheret hôm 7/10 và thay đổi mọi thứ.

Hàng nghìn công nhân nước ngoài (chủ yếu là người Thái Lan, một số người Nepal và Tanzania) đã trở về nước sau vụ thảm sát và bắt cóc hàng chục đồng bào của họ. Một lực lượng lao động chủ chốt là người Palestine thì đã bị thu hồi giấy phép nhập cảnh. Còn nhiều người Israel làm việc trong ngành nông nghiệp đã phải sơ tán đến các vùng khác của đất nước hoặc được gọi làm lính dự bị.

Tình trạng thiếu lao động đó đã tạo ra khung cảnh những cánh đồng trống trải, máy kéo nằm im lìm và một sự im lặng bao trùm. Cảnh tượng này minh họa cho cuộc khủng hoảng lớn nhất đối với ngành nông nghiệp Israel kể từ khi đất nước được thành lập vào năm 1948. Điều này được khẳng định bởi Oren Lavi, Tổng giám đốc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Israel.

Chính phủ hiện đang cố gắng lấp đầy khoảng trống bằng tình nguyện viên, khuyến khích tài chính cho bất kỳ ai sẵn sàng mạo hiểm làm việc gần Gaza hoặc Liban. Điều này đã thu hút khá nhiều lao đồng từ Ấn Độ, Malawi, Sri Lanka, nhưng lại gây lo ngại cho các hiệp hội nhân quyền. Một lao động Ấn Độ đã thiệt mạng hồi đầu tháng này do đạn chống tăng của Hezbollah.

Ông Trabelsey, 66 tuổi, cho xem những cành chết cà chua chết trên giàn. Ông giải thích, các chu kỳ gieo hạt, chăm sóc và thu hoạch có lịch trình nghiêm ngặt, không phù hợp với sự bất ổn của một cuộc chiến đã kéo dài hơn 5 tháng và chưa có hồi kết rõ ràng. “Để làm được điều này, chúng tôi cần khoảng 30 người. Tôi không thể làm điều đó một mình”, Trabelsey nói.

Chú thích ảnh
Một người lao động thuê từ Malawi làm việc trong nhà kính của nông trang Sharsheret, gần Gaza hồi tháng 1/2024. Ảnh: El Pais 

Khu vực màu mỡ xung quanh Gaza tuy nhỏ nhưng lại chiếm 25% tổng sản lượng cây trồng quốc gia. Ở một số sản phẩm, tỉ trọng của nó thậm chí còn lớn hơn: 60% khoai tây của cả nước, 57% lúa mạch, 47% cà chua và 38% bắp cải đều đến từ đó. Giá của các mặt hàng này đã tăng mạnh trong siêu thị.

Trước chiến tranh, 29.900 công nhân nước ngoài đã làm việc trong ngành nông nghiệp Israel; phần lớn đến từ Thái Lan. Khi bắt đầu chiến tranh, gần 10.000 người đã trở về quê hương. Ngoài ra, khoảng 10.000 - 12.000 người Palestine bị cấm vào Israel. Trong khi đó, hàng trăm nghìn người Israel đã được tuyển dụng làm lính dự bị, một số không đi làm vì sợ hãi hoặc phải sơ tán đến các vùng khác của đất nước.

Nhà chức trách Israel đã thực hiện các biện pháp đối phó tạm thời, như đạt thỏa thuận song phương với Sri Lanka; tạm thời loại bỏ giới hạn lưu trú 5 năm đối với người lao động nước ngoài.

Chủ nghĩa dân tộc cũng đang được sử dụng như một giải pháp. Các siêu thị bày bán trái cây, rau quả có hình quốc kỳ và thông điệp khuyến khích người dân mua sản phẩm của Israel. “Tôi không muốn người tiêu dùng phải đắn đo giữa một quả cà chua từ Arava (Đông Nam Israel) hay từ Thổ Nhĩ Kỳ”, Bộ trưởng Lavi nói trước Quốc hội.

Ayal Kimhi, Giáo sư kinh tế nông nghiệp tại Đại học Do Thái ở Jerusalem và Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Shoresh, nhớ lại rằng ngành nông nghiệp từng bị thiệt hại ở Cao nguyên Golan trong Chiến tranh Yom Kippur năm 1973 và trong làn sóng Intifada lần thứ hai (2000-2005), nhưng ông nói rằng nước này chưa bao giờ trải qua một cuộc khủng hoảng như hiện nay. Tuy nhiên, nỗi lo sợ thực sự của ông là tình hình có thể kéo dài - không phải vì tác động đến nền kinh tế, vì nông nghiệp, cũng như ở các nước phát triển khác, chỉ chiếm 2% GDP mà vì an ninh lương thực.

“Đại dịch Covid đã làm nổi bật tầm quan trọng của an ninh lương thực. Israel không thể phụ thuộc vào việc một quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ quyết định ngừng xuất khẩu trong tình huống như thế này”, ông Kimhi chỉ ra. “Đưa người lao động từ nước khác đến không phải là giải pháp lâu dài”.

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên Israel làm việc trong nhà kính tại hợp tác xã nông nghiệp Sharsheret. Ảnh: El Pais

Cuộc khủng hoảng hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến khu vực được mệnh danh là “vựa hoa quả của Israel”, mà còn ảnh hưởng đến vùng biên giới với Liban, khu vực có nhiều người sơ tán nhất (khoảng 80.000 người). Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp, khu vực này là nơi trồng 40% cây ăn quả cận nhiệt đới và rụng lá, chủ yếu là bơ, nho làm rượu vang, mận và xoài. Đạn rơi ở đó mỗi ngày, trong cuộc xung đột ngày càng gia tăng giữa Israel và Hezbollah.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo El Pais)
Nga kêu gọi phương Tây lên tiếng sau vụ tấn công toà nhà lãnh sự Iran ở Syria
Nga kêu gọi phương Tây lên tiếng sau vụ tấn công toà nhà lãnh sự Iran ở Syria

Nga đã lưu hành dự thảo tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tố cáo cuộc tấn công vào toà nhà lãnh sự Iran ở Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN