Chiến sự diễn biến phức tạp tại miền bắc Mali

EU tạm ngừng viện trợ phát triển

Sau cuộc đảo chính tại Mali, lực lượng phiến quân người Tuareg ở miền bắc nước này đang tìm cách mở rộng khu vực kiểm soát tại đây.

Ảnh: AFP/ TTXVN


Ngày 23/3, theo một tuyên bố đăng tải trên trang web, tổ chức có tên gọi Phong trào Giải phóng quốc gia Azawad (MNLA) của người Tuareg cho biết, ngày 22/3 họ đã đã chiếm được thị trấn Anefis nằm trên tuyến đường quốc lộ nối Gao và Kidal - hai thành phố chính ở khu vực sa mạc phía bắc rộng lớn.

Lực lượng này khẳng định sẽ đấu súng với quân chính phủ tại vùng Azawad - tên miền quê tự trị của họ ở vùng tam giác phía bắc của Mali. Theo người phát ngôn MNLA, ông Bakaye Ag Hamed Ahamed, vụ đảo chính của quân đội Mali không tạo ra thay đổi gì cho MNLA. Ông này cho rằng sự thất bại nặng nề của quân đội Mali ở miền bắc là nguyên nhân dẫn tới vụ đảo chính ở miền nam.

Xung đột giữa lực lượng quân đội Mali và các tay súng vũ trang li khai người Tuareg bùng phát ở miền bắc Mali kể từ cuối năm ngoái. Cộng đồng Tuareg có khoảng 1,5 triệu người, là các bộ lạc du mục cư trú rải rác tại nhiều quốc gia gồm Angiêri, Buốckina Phaxô, Libi, Nigiê và Mali. Trong số các quốc gia này, Mali và Nigiê là hai quốc gia thường xuyên xảy ra các cuộc xung đột của người Tuareg đòi thành lập nhà nước độc lập trong hàng chục năm qua.

Trong một diễn biến khác, ngày 23/3, lực lượng tiến hành đảo chính ở Mali cho biết các thành viên của chính phủ nước này bị các binh sĩ bắt giữ vẫn an toàn và khỏe mạnh, đồng thời họ sẽ sớm được chuyển giao cho hệ thống tư pháp của nước này. Nhóm tự xưng là Ủy ban Khôi phục dân chủ quốc gia (NCED) tuyên bố sẽ gặp các tổ chức dân sự để thảo luận cách thức tái lập dân chủ và ổn định đất nước.

Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố tạm thời ngừng các hoạt động phát triển ở Mali cho đến khi tình hình được sáng tỏ. Tuyên bố của EU khẳng định khối này "chính thức lên án các nỗ lực giành quyền lực bằng sức mạnh ở Mali", đồng thời kêu gọi ngừng bạo lực ngay lập tức, trả tự do cho các quan chức chính quyền, bảo vệ thường dân, khôi phục chính phủ hợp hiến và tiến hành cuộc bầu cử dân chủ như kế hoạch.

Trong khi đó, Trung Quốc hối thúc giới chức Mali thực thi các biện pháp đảm bảo an ninh và các quyền hợp pháp của các cơ quan và công dân Trung Quốc ở quốc gia Tây Phi này.

Trước đó, HĐBA LHQ ngày 22/3 đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ hành động nổi loạn của các binh sĩ nhằm tiếm quyền tại Mali. Tuyên bố cũng kêu gọi trả tự do cho tất cả các quan chức, trong đó có một số bộ trưởng, đang bị giam giữ trong cuộc đảo chính quân sự này.

Tuyên bố cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình tại Mali, đồng thời nhấn mạnh cần tôn trọng chủ quyền, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Mali.

L.H- H.H

Binh biến ở Mali
Binh biến ở Mali

Binh biến đã nổ ra tại thủ đô Bamacô của Mali ngày 22/3, khi các binh sĩ nổi dậy tấn công dinh tổng thống, chiếm trụ sở đài phát thanh và truyền hình quốc gia, khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN