Chiến cuộc ở Libi chưa ngã ngũ

Ngày 25/8, lực lượng nổi dậy ở Libi, đang tìm cách kiểm soát những vùng đã chiếm được, đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi ở phía đông Libi cũng như ngay tại thủ đô Tripôli.

Giao tranh vẫn diễn ra ở Tripôli ngày 25/8 cho dù phe nổi dậy tuyên bố đã kiểm soát được thành phố này. Ảnh: AFP/ TTXVN


Tại thủ đô Tripôli, hàng chục tay súng quân nổi dậy giao tranh quyết liệt với lực lượng ủng hộ ông Kadhafi bên ngoài khách sạn Corinthia, nơi ở của nhiều nhà báo nước ngoài.

Tại một mục tiêu quan trọng khác là thành phố Sirte, quê hương của ông Kadhafi, phe nổi dậy đã phải thừa nhận, chiếm được thành phố này không đơn giản vì lực lượng ủng hộ ông Kadhafi kháng cự quyết liệt.

Trước đó, ngày 24/8, lực lượng nổi dậy, trên đường tiến về thành phố Bin Jawad, cách Tripôli 650 km phía nam, đã bị các lực lượng trung thành với ông Kadhafi đánh chặn, làm ít nhất 20 quân nổi dậy thiệt mạng.
 
Các cuộc giao tranh này cho thấy, lực lượng ủng hộ ông Kadhafi vẫn có khả năng phản công khi quân nổi dậy đang tập trung vào việc giành quyền kiểm soát hoàn toàn thủ đô Tripôli và phải đối mặt với những khó khăn về nguồn tài chính và tiếp viện cho tiền tuyến.

Trong khi đó, một số cơ quan đại diện của chính quyền Libi ở nước ngoài như các đại sứ quán ở Ixlamabát (Pakixtan) và Mátxcơva (Nga) đã thay cờ Libi bằng cờ của phe nổi dậy. Đại sứ Libi tại Dimbabuê, Taher Elmagrahi đã đào tẩu sang phía phe đối lập.

Liên quan đến chiến sự ở Libi, phóng viên hãng tin AFP (Pháp) cho biết, họ đã phát hiện một số mật vụ của Anh và Pháp bên trong lãnh thổ Libi. Những mật vụ này đã được cài cắm tại trung tâm chỉ huy của lực lượng nổi dậy ở mặt trận phía đông tại khu nhà máy lọc dầu ở Zuwaytina, cách thành phố Benghazi, thành trì của quân nổi dậy, khoảng 150 km về phía tây nam.

Phát biểu trước Quốc hội Nam Phi ngày 24/8, Phó Tổng thống nước này Kgalema Motlanthe cho rằng Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở La Hay nên điều tra về vai trò và các hoạt động của NATO ở Libi. Phó Tổng thống Motlanthe cáo buộc NATO có "những mối liên quan rõ rệt" với lực lượng đối lập ở Libi, mặc dù khối quân sự này luôn cố gắng tạo cảm nghĩ rằng phe đối lập hành động đơn phương trong các vụ tấn công tại Tripôli. Ông Motlanthe còn đề cập đến việc liệu ICC có sẵn sàng tìm hiểu thông tin và đưa những người phải chịu trách nhiệm về thương vong của dân thường Libi ra ánh sáng hay không.

Nga đề xuất thương lượng một thỏa thuận hòa bình

Trong phát biểu công khai đầu tiên kể từ khi quân nổi dậy tấn công vào Tripôli, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 24/8 nêu rõ, nhà lãnh đạo Kadhafi và những người ủng hộ ông vẫn luôn có sức ảnh hưởng và tiềm lực quân sự. Do đó, Nga muốn các bên ngồi vào bàn thương lượng và đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Tổng thống Medvedev cũng cho biết, Nga sẽ xem xét việc thiết lập quan hệ với Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC), cơ quan đầu não của phe đối lập ở Libi, nếu tổ chức này có thể đoàn kết đất nước, có nghĩa là cần phải tiến hành thương lượng với lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Kadhafi. Nếu phe đối lập có đủ sức mạnh, tinh thần và khả năng để đoàn kết đất nước Libi trên nền tảng dân chủ mới, Nga sẽ ngồi vào bàn đàm phán. Hiện Mátxcơva có ý định đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột này.

Theo Tổng thống Medvedev, hiện còn quá sớm để quân nổi dậy tuyên bố chiến thắng cũng như các nước khác thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với NTC.

Trong khi đó, Pháp đã đề nghị tổ chức hội nghị bàn về tương lai của Libi thời hậu Kadhafi vào ngày 1/9 tới. Phát biểu sau cuộc gặp người đứng đầu NTC, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết, ngoài các nước tham gia chiến dịch quân sự chống Libi, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Braxin cùng Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng được mời tham dự.

Ngoại trưởng các nước thuộc Liên đoàn Arập (AL) ngày 24/8 đã nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy nhanh các biện pháp nhằm đảm bảo sự ổn định, an ninh và hòa bình tại Libi.

Các ngoại trưởng AL cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ đảm đương trách nhiệm bằng cách chấp thuận việc sử dụng 1,5 tỷ USD tài sản bị phong tỏa của chính quyền Libi cho sứ mệnh nhân đạo. Liên quan đến số tiền này, một nhà ngoại giao giấu tên cho biết, Mỹ sẽ đệ trình một dự thảo nghị quyết lên HĐBA LHQ đề nghị cho giải ngân số tiền 1,5 tỷ USD để phục vụ nhu cầu viện trợ nhân đạo. Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi tối 25/8 (giờ VN) đã tuyên bố sẵn sàng giải ngân cho NTC 504 triệu USD (350 triệu euro) đang nằm trong các tài khoản của chính phủ Libi bị đóng băng tại các ngân hàng Italia.

Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ chính phủ mới tại Libi ổn định trật tự và xã hội. Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton, đã yêu cầu tổ chức một cuộc họp của "Nhóm Cairô vì Libi", gồm EU, Liên minh châu Phi (AU) và AL tại New York (Mỹ) vào hôm nay (26/8).

Ông Kadhafi đang ở đâu?

Trong lúc này, tung tích của nhà lãnh đạo Kadhafi đang là một dấu hỏi lớn.

Quân nổi dậy cho biết không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của ông Kadhafi sau khi chiếm được khu tổng hành dinh Bad al-Aziziya ở Tripôli hôm 23/8. Phát ngôn viên của phe đối lập, Đại tá Ahmed Bani, thừa nhận: “Bab al-Aziziya hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của chúng tôi. Ông Kadhafi và các con trai của ông ta không có ở đây. Không ai biết họ đang ở đâu”.

Tuy nhiên, đã có nhiều giả thiết về nơi ẩn náu của ông Kadhafi. Quân nổi dậy cho rằng, ông Kadhafi có lẽ đã chạy tới vùng sa mạc ở miền nam Libi, nơi biên giới với các nước láng giềng không được canh phòng nghiêm ngặt và có thể dễ dàng vượt qua. Abdel Moneim al-Huni, phái viên của NTC tại trụ sở của AL ở Cairô (Ai Cập), nhận định: “Ông Kadhafi chỉ có ba sự lựa chọn: vùng sa mạc Al-Jufrah, ốc đảo Traghen ở tận cùng miền nam tiếp giáp với Nigiê và thị trấn Sirte, quê hương của ông ta”.

Các phương tiện truyền thông cho rằng, ông Kadhafi có thể tới Nam Phi và nói nước này đã đưa máy bay tới đón ông cùng gia đình. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nam Phi, bà Maite Nkoana-Mashabane, đã bác bỏ thông tin trên và khẳng định: “Không có ai xin tỵ nạn ở Nam Phi”.

Ngày 24/8, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại tá Dave Lapan, tuyên bố Mỹ tin rằng ông Kadhafi hiện vẫn còn ở Libi.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Buốckina Phaxô, Djibril Bassole tuyên bố, nước này sẵn sàng mở rộng cửa đón ông Kadhafi. Ông nói: “Nếu ông Kadhafi muốn tỵ nạn ở Buốckina Phaxô thì chúng tôi sẽ chấp nhận”.

Trước đó, ngày 23/8, Nicaragoa cũng cho biết nước này sẵn sàng cho phép ông Kadhafi sống lưu vong ở nước này.

Đến 23 giờ 15 ngày 25/8 (giờ VN), có tin cho biết ông Kadhafi đã gửi thông điệp thứ ba đến người dân Libi. Kênh truyền hình Arrai Oruba đã phát một đoạn băng ghi âm, trong đó ông Kadhafi kêu gọi người dân đấu tranh vũ trang để “đánh bại kẻ thù và giải phóng Tripôli”, đồng thời khẳng định thêm một lần nữa rằng, bỏ ngỏ Bab al-Aziziya là bước rút lui chiến lược.

Minh Tuyến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN