"Chiếm lấy Phố Wall" lan rộng trên toàn cầu

* Biểu tình diễn ra tại 951 thành phố ở 82 quốc gia
* Người biểu tình đụng độ với cảnh sát


Xuất phát từ phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" tại New York (Mỹ) và "Những người phẫn nộ" tại thủ đô Mađrít (Tây Ban Nha), ngày 16/10 (theo giờ Việt Nam), nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp thế giới. Theo trang mạng 15october.net, phong trào biểu tình đã diễn ra tại 951 thành phố ở 82 quốc gia với khẩu hiệu duy nhất là kêu gọi "Đoàn kết vì một sự thay đổi toàn cầu". Những người biểu tình đều bày tỏ mong muốn có một nền dân chủ thực sự. Họ cho rằng chính sách tài chính hiện nay chỉ phục vụ cho quyền lợi của một số ít những người giàu có mà quên đi nguyện vọng của người dân, đồng thời kêu gọi phải chấm dứt tình trạng bất công này.

Biểu tình tại thủ đô Rôma, Italia ngày 16/10.Ảnh: AFP/ TTXVN


Ít nhất 88 người biểu tình đã bị bắt giữ tại thành phố New York (Mỹ) khi họ đụng độ với lực lượng cảnh sát tại Quảng trường Thời đại. Tại thành phố Chicago, 175 người cũng bị bắt vì vi phạm luật khi dựng lều trại trong công viên, không chịu về sau khi công viên đóng cửa và phớt lờ cảnh báo của cảnh sát.

Trước đó, hãng AFP dẫn nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát New York cho biết, cảnh sát đã bắt giữ 24 người biểu tình tìm cách tràn vào ngân hàng Chase (chi nhánh của ngân hàng Citibank). Theo Citibank, lực lượng an ninh đã yêu cầu Chase đóng cửa cho tới khi đám đông những người biểu tình giải tán. Trong khi đó, hàng nghìn người biểu tình hòa vào dòng khách du lịch vẫn tiếp tục đổ về Quảng trường Thời đại hưởng ứng phong trào "Chiếm lấy Phố Wall". Cùng thời điểm này, làn sóng biểu tình cũng dâng cao tại thủ đô Oasinhtơn, với sự tham gia của khoảng 2.000 - 3.000 người (là sinh viên, các gia đình và thành viên công đoàn). Ở thành phố Miami, ít nhất 1.000 người, gồm phần lớn là thanh niên và người về hưu, đổ ra tuần hành trên các đường phố nhằm chống lại các tập đoàn, ngân hàng cũng như phản đối chiến tranh.

Đám đông người biểu tình đổ về Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ ngày 16/10. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, hàng chục người biểu tình đã tỏ ra giận dữ và xô xát với lực lượng cảnh sát, trong đó hai đối tượng quá khích đã bị bắt. Cảnh sát Anh đã lập thành một hàng rào để cô lập nhóm biểu tình. Khoảng 3.000 người từ khắp nơi đã đổ về trung tâm tài chính Luân Đôn phản đối giới tài chính ngân hàng mà họ cho là thủ phạm đẩy nền kinh tế thế giới tới khủng hoảng và suy thoái. Cuộc biểu tình tại Luân Đôn dự kiến kéo dài đến hết ngày 16/10. Tham gia biểu tình có đủ các thành phần, từ công chức, giáo viên, sinh viên, người thất nghiệp và cả những du khách qua đường. Hàng nghìn người đã giơ cao và hô vang các khẩu hiệu: “Chúng tôi chiếm 99%”, “Hãy đặt con người lên trên lợi nhuận”, “Phản đối cắt giảm ngân sách”, “Chấm dứt tài trợ cho giới ngân hàng”, “Không lo đủ ăn cho người nghèo, nhưng lại nuôi chiến tranh”... Họ cho rằng sự tham lam và vô trách nhiệm của giới tài phiệt và ngân hàng - những người chỉ chiếm 1% dân số - đã đẩy phần còn lại của dân Anh tới cuộc suy thoái lớn nhất trong 70 năm qua.

Tại thủ đô Rôma (Italia), hãng tin ANSA cho biết, 70 người - trong đó có cả cảnh sát, người biểu tình và người quá khích - đã bị thương trong các cuộc biểu tình. Phóng viên TTXVN tại Italia đưa tin, đụng độ đã diễn ra khi một số người quá khích mặc đồ đen trà trộn vào đám đông và bắt đầu tấn công cảnh sát cũng như các cơ sở vật chất. Nhiều người quá khích đã ném chai lọ vào cảnh sát, đốt cờ của Italia và Liên minh châu Âu (EU), đập phá máy rút tiền, tấn công các ngân hàng và cửa hiệu, đồng thời đốt cháy ba xe ôtô.

Thậm chí, Văn phòng của Bộ Quốc phòng Italia cũng bị phóng hỏa. Cảnh sát chống bạo động đã phải bắn đạn hơi cay, dùng dùi cui và vòi rồng để giải tán đám đông. Trong khi đó, làn sóng biểu tình tại đây vẫn không ngừng gia tăng. Hàng trăm nghìn người biểu tình đã xuống đường nhằm phản đối cuộc khủng hoảng tài chính cũng như sự phẫn nộ đối với giới doanh nghiệp, các chính trị gia "phá hoại nền kinh tế" bằng sự quản lý yếu kém của mình. Khoảng 1.500 cảnh sát đã được triển khai trên các đường phố để bảo đảm an ninh và chống bạo động. Một số tuyến đường giao thông chính bị cảnh sát phong tỏa, nhiều tuyến xe buýt buộc phải chuyển hướng, bốn ga tàu điện ngầm và các khu du lịch đã phải đóng cửa.

Hàng chục nghìn người đã tuần hành trên các đường phố thủ đô Mađrít của Tây Ban Nha nhằm phản đối việc chính phủ cắt giảm chi tiêu cho y tế và giáo dục. Năm dòng người từ các địa điểm khác nhau đã đổ về Quảng trường trung tâm Cibeles trước khi tiến vào khu vực Puerta del Sol. Cuộc biểu tình ở Mađrít là 1 trong số 60 cuộc biểu tình diễn ra trên toàn Tây Ban Nha, trong bối cảnh tổng tuyển cử ở nước này sẽ diễn ra vào ngày 20/11 tới.
Trong khi đó, hơn 10.000 người cũng đã tiến hành những cuộc biểu tình trên khắp Canađa. Tại thủ đô Ốttaoa, khoảng 300 sinh viên, học sinh, công đoàn viên đã biểu tình phản đối hệ thống chính trị và kinh tế của các cường quốc tại công viên trung tâm thủ đô, gần tòa nhà quốc hội. Những người biểu tình yêu cầu chính phủ phải đưa ra mức thuế cao hơn đối với những người giàu và siết chặt quản lý hơn nữa đối với hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, hàng nghìn người cũng biểu tình ở các thành phố Toronto, Halifax, Montreal, Quebec và Vancouver… với một loạt yêu cầu, từ tạo việc làm đến phân chia của cải công bằng hơn.

Hòa vào phong trào "Chiếm lấy Phố Wall", làn sóng biểu tình với sự tham gia của hàng chục nghìn người cũng đã diễn ra tại Lixbon (Bồ Đào Nha), Béclin (Đức), Aten (Hy Lạp), Zurich (Thụy Sĩ)… nhằm phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ và phân chia không công bằng của các tập đoàn tài chính.

Hồng Hạnh (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN