Chi tiêu quân sự giảm lần đầu tiên trong 15 năm

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Xtốckhôm (SIPRI) công bố ngày 14/4 cho thấy, chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2012 đã lần đầu tiên giảm nhẹ trong hơn một thập kỷ qua. Cũng theo báo cáo này, Mỹ vẫn tiếp tục là quốc gia có mức chi ngân sách quân sự lớn nhất thế giới trong khi Nga và Trung Quốc giữ kỷ lục về tốc độ tăng chi ngân sách quốc phòng hàng năm.

Chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2012 đã lần đầu tiên giảm nhẹ trong 15 năm qua. Ảnh: Internet


Theo báo cáo, tổng chi phí quân sự toàn cầu trong năm qua đạt 1.750 tỷ USD, giảm 0,5% so với năm 2011 nếu không tính tỷ lệ lạm phát. Đây là lần đầu tiên chi tiêu quân sự toàn cầu giảm kể từ năm 1998. Trong đó, chi tiêu quân sự của Mỹ năm 2012 là 682 tỷ USD, giảm 6% so với năm 2011 nhưng vẫn đứng đầu thế giới. Đứng sau Mỹ về chi tiêu quân sự trong năm 2012 là Trung Quốc với 166 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2011 và tăng tới 175% so với năm 2003. Tiếp sau Mỹ và Trung Quốc là "chú Gấu" Nga với chi tiêu quân sự 2012 đạt 90,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm trước.


Những quốc gia có ngân sách quân sự lớn tiếp theo là Anh, Nhật Bản, Pháp, Arập Xêút, Ấn Độ, Đức và Italia. Cuộc khủng hoảng nợ và chính sách thắt lưng buộc bụng đã khiến chi tiêu quân sự của nhiều nước châu Âu giảm 10% trong năm ngoái. Trong khi đó, chi tiêu quân sự của các quốc gia Trung Đông - Bắc Phi tăng 8%.


Giám đốc Chương trình Chi tiêu quân sự và Sản xuất vũ khí của SIPRI, ông Sam Perlo-Freeman, dự đoán tổng chi tiêu quân sự toàn cầu sẽ tiếp tục giảm trong 2 - 3 năm nữa. Tuy nhiên, đây chỉ là xu hướng giảm trước mắt vì các nước đang nổi có khuynh hướng sẽ chi mạnh tay hơn cho quân sự trong thời gian tới.

Thái Hùng (P/v TTXVN tại Mỹ)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN