Cháy rừng tiếp diễn tại bán đảo Iberia

Các lực lượng cứu hỏa đang nỗ lực khống chế các đám cháy rừng kéo dài suốt 4 ngày qua tại miền Nam Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, trong bối cảnh nắng nóng dữ dội khiến nhiều khu vực ở trong tình trạng báo động do nhiệt độ cao.

Chú thích ảnh
Lính cứu hỏa dập đám cháy rừng tại Proenca a Nova, Bồ Đào Nha ngày 6/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Hai nước thuộc bán đảo Iberia đang đối mặt với hệ lụy nghiêm trọng do biến đối khí hậu, như các đợt sóng nhiệt dữ dội, hạn hán và cháy rừng. Theo dữ liệu của cơ quan khí tượng Bồ Đào Nha, khu vực Santarem, miền Trung nước này, đã ghi nhận nhiệt độ lên tới 46,4 độ C trong ngày 7/8, mức cao kỷ lục từ đầu năm đến nay.

Kể từ ngày 5/8, các đám cháy đã thiêu rụi gần 10.000 ha rừng và buộc gần 1.500 người phải sơ tán để đảm bảo an toàn. Khoảng 2.800 lính cứu hỏa và 16 máy bay đã được triển khai để khống chế các đám cháy xảy ra tại nhiều nơi. Trong đó, trên 1.000 lính cứu hỏa và 10 máy bay chữa cháy đã được huy động để đối phó với đám cháy tại Odemira, gần trung tâm du lịch Algarve, Tây Nam Bồ Đào Nha.

Khoảng 40 người, trong đó có 28 lính cứu hỏa, đã được đưa đi cấp cứu. Trong khi đó, vụ cháy rừng thiêu rụi khoảng 7.000 ha đất tại Leiria, miền Trung Bồ Đào Nha, đã dần được kiểm soát.

Tại Tây Ban Nha, phần lớn khu vực miền Nam vẫn ở trong tình trạng báo động màu cam về thời tiết, với nhiệt độ dự báo lên tới 44 độ C trong ngày 8 và 9/8. Trước đó, Cơ quan Thời tiết quốc gia Tây Ban Nha (AEMET) dự báo hai ngày này sẽ là những ngày đỉnh điểm của đợt nắng nóng thứ ba trong năm nay.

AEMET đã ban hành cảnh báo đỏ (mức cao nhất) về thời tiết tại các vùng của Andalusia ở miền Nam nước này, Madrid ở trung tâm và Basque ở miền Bắc. Cháy rừng hoành hành tại Tây Ban Nha cuối tuần qua đã thiêu rụi hơn 1.000 ha đất.

Ước tính sơ bộ cho thấy kể từ đầu năm đến nay, cháy rừng đã gây thiệt hại khoảng 100.000 ha đất trên Bán đảo Iberia, so với mức kỷ lục 400.000 ha ghi nhận trong năm 2022.

Sạt lở đất do mưa bão tại các nước Bắc Âu

Trong khi đó, Bắc Âu lại đang hứng chịu mưa bão nghiêm trọng. Ngày 9/8, cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp của Na Uy đã sơ tán hàng trăm người đến nơi an toàn trong ngày thứ hai xảy ra mưa lớn nguy cơ gây sạt lở đất. Gió mạnh, mưa lớn và sạt lở đất đã xảy ra tại nhiều khu vực ở Bắc Âu, làm đứt đường dây điện, gây ngập lụt và gián đoạn hệ thống giao thông công cộng.

Cơn bão mang tên "Hans" đã đổ bộ Thụy Điển vào cuối ngày 6/8 và đổ bộ Na Uy ngày 7/8. Cơn bão cũng gây ảnh hưởng tại Đan Mạch và Phần Lan. Ở miền Nam Na Uy, lũ lụt và sạt lở đất đã chặn các tuyến đường và gây gián đoạn dịch vụ đường sắt. Tại thị trấn Valdres, một vụ lở đất đã làm sập một ngôi nhà, nhưng may mắn không gây thương vong. Tại Thụy Điển, một đoàn tàu chở khách đã bị trật bánh do thời tiết xấu, làm bị thương 3 người.

Phan An (TTXVN)
Nhật Bản: Mưa bão ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hàng không, đường sắt
Nhật Bản: Mưa bão ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hàng không, đường sắt

Tại Nhật Bản, do ảnh hưởng của bão Khanun gây mưa lớn ở khu vực miền Nam, nhiều chuyến bay đã bị hủy, nhiều tuyến đường sắt phải tạm ngừng hoạt động trong ngày 9/8.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN