Châu Âu vẫn lo ngại dù Nga nối lại dòng chảy khí đốt qua Nord Stream 1

Nga đã nối lại bơm khí đốt qua đường ống lớn nhất tới châu Âu vào ngày 21/7 sau 10 ngày ngừng hoạt động. Dù điều này làm châu Âu bớt lo ngại về nguồn cung khí đốt nhưng không đủ để xua tan nỗi sợ phải hạn chế sử dụng khí đốt nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt trong mùa đông.

Chú thích ảnh
Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream ở Lubmin, Đức ngày 8/3. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, nguồn cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1 (chạy dưới Biển Baltic đến Đức) đã bị tạm dừng để bảo trì vào ngày 11/7, nhưng ngay cả trước khi ngừng hoạt động, lượng khí đốt đã bị giảm xuống 40% công suất của đường ống.

Theo số liệu của Nord Stream, lượng khí đốt ngày 21/7 đã trở lại ở mức 40% công suất, một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng nguồn cung có thể bị cắt giảm hơn nữa hoặc thậm chí dừng lại.

Nối lại nguồn cung cấp khí đốt qua Nord Stream ở mức thấp hơn nhiều so với công suất đường ống có nghĩa là Đức, quốc gia đặc biệt phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga, và các nền kinh tế châu Âu khác vẫn đang vất vả tìm đủ khí đốt cho mùa đông.

Chủ tịch Cơ quan mạng lưới Đức, ông Klaus Mueller viết trên Twitter: “Về con số 60% còn thiếu và tình hình bất ổn chính trị, vẫn chưa có thông tin rõ ràng”.

Lượng khí đốt qua các tuyến đường ống khác, chẳng hạn như Ukraine, cũng đã giảm kể từ khi Nga xung đột với Ukraine từ tháng 2.

Đức và một số quốc gia đã kích hoạt các giai đoạn đầu tiên của kế hoạch khẩn cấp mà trong một số trường hợp có thể dẫn đến việc phải phân phối khí đốt. Ngày 21/7, Hy Lạp cho biết sẽ cắt điện luân phiên nếu không còn cách nào khác.

EU đặt mục tiêu tích trữ đầy 80% các cơ sở lưu trữ khí đốt trên toàn khối trước ngày 1/11. Lượng khí đốt trong kho hiện đã đầy 2/3, nhưng tốc độ tích trữ đang chậm lại.

Cơ quan mạng lưới Đức cho biết nếu lượng khí đốt được chuyển qua Nord Stream vẫn ở mức thấp, Đức sẽ gặp khó khăn trong đạt được mục tiêu tích đầy 90% vào tháng 11 mà không có các biện pháp bổ sung.

Ông Peter McNally, một nhà phân tích tại công ty Third Bridge, cho biết: “Ngay cả khi lượng khí đốt được chuyển đầy đủ, tình hình khí đốt tự nhiên của châu Âu vẫn rất nghiêm trọng”.

Để cố gắng ngăn chặn tình trạng khan hiếm nguồn cung khí đốt vào mùa đông, Ủy ban châu Âu đã đề xuất mục tiêu tự nguyện cho tất cả các quốc gia EU là cắt giảm 15% sử dụng khí đốt từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau so với mức sử dụng trong cùng giai đoạn 2016-2021. Đề xuất của Ủy ban này sẽ cho phép EU yêu cầu các thành viên bắt buộc thực hiện mục tiêu trên trong trường hợp khẩn cấp về nguồn cung.

Một số quốc gia phía nam EU phản đối kế hoạch này. Kế hoạch cần được đa số nước trong khối 27 quốc gia ủng hộ thì mới được thực hiện. Bồ Đào Nha cho biết kế hoạch này sẽ cản trở hoạt động sản xuất điện trong đợt hạn hán khắc nghiệt. Tây Ban Nha và Hy Lạp cũng lên tiếng phản đối.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chỉ trích Nga “tống tiền” và cho rằng châu Âu phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất hiện nay.

Điện Kremlin nói Nga là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy, cho rằng các lệnh trừng phạt đã làm giảm lượng khí đốt và bác bỏ cáo buộc tống tiền của bà Von der Leyen. Phát ngôn viên Dmitry Peskov cho biết ngày 21/7: “Đây là một tuyên bố hoàn toàn sai lầm”.

Tập đoàn Gazprom của Nga đã cắt giảm xuất khẩu khí đốt qua tuyến Nord Stream vào tháng 6 xuống còn 40% công suất. Gazprom cho biết các lệnh trừng phạt đã khiến tập đoàn Siemens trì hoãn trả lại tuabin đường ống đang sửa chữa tại Canada.

Theo thông báo, tuabin đó đang trên đường trở về Đức, nhưng Gazprom cho biết họ chưa nhận được để lắp đặt lại. Họ cần được trả lại tuabin này và cần bảo dưỡng thiết bị khác để đảm bảo đường ống hoạt động an toàn.

Tổng thống Putin đã khiến châu Âu thêm lo lắng về nguồn cung khí đốt thông qua Nord Stream 1. Ông nói rằng lượng khí đốt có thể bị giảm hơn nữa hoặc ngừng do chất lượng của thiết bị được bảo dưỡng không được đảm bảo và nói rằng các thiết bị khác cần được bảo trì.

Tập đoàn Uniper của Đức cho biết Nga đã giao khoảng 40% khối lượng khí đốt theo hợp đồng.

Tập đoàn OMV của Áo cho biết Gazprom nói rằng họ sẽ giao khoảng một nửa khối lượng đã thỏa thuận vào ngày 21/7.

ENI của Italy cho biết họ sẽ nhận được khoảng 36 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày từ Gazprom, tăng hơn 1/3 so với mức nhận được trong thời gian ngừng bảo dưỡng và trở lại gần mức trước khi bảo dưỡng.

Các quốc gia châu Âu đang tìm các nguồn cung cấp khí đốt thay thế, mặc dù thị trường khí đốt toàn cầu đã căng thẳng ngay cả trước cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhu cầu về nhiên liệu đang phục hồi sau đợt suy giảm do đại dịch COVID-19 gây ra.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nhiều nước EU phản đối kế hoạch giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt
Nhiều nước EU phản đối kế hoạch giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt

Đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) về việc các nước thành viên giảm sử dụng 15% nhu cầu khí đốt để chuẩn bị cho khả năng Nga cắt nguồn cung đang vấp phải sự phản đối từ một số quốc gia thành viên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN