Châu Âu sôi sục biểu tình chống "thắt lưng buộc bụng"

Ngày 12/5, ít nhất 100.000 người Tây Ban Nha đã xuống đường biểu tình tại 80 thành phố và thị trấn của nước này để thể hiện sự tức giận trước bối cảnh kinh tế đáng lo ngại cũng như cách thức xử lý cuộc khủng hoảng tài chính. Sự kiện này diễn ra đúng dịp một năm ngày bắt đầu "Phong trào phẫn nộ" nhằm phản đối các chính sách kinh tế khắc khổ của chính phủ.


 

Cảnh sát áp giải người biểu tình ở quảng trường Puerta del Sol (Tây Ban Nha) ngày 13/5/2012.Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Lần này, người Tây Ban Nha có nhiều động lực hơn để biểu tình: Một nền kinh tế suy thoái, tỉ lệ thất nghiệp 24,4% và lên tới 52% trong giới trẻ. Trong khi đó chỉ từ đầu năm đến nay, chính phủ đã cắt giảm 30 tỉ euro theo các chính sách khắc khổ. Hàng chục nghìn người biểu tình ở Mađrít đã đổ về quảng trường Puerta del Sol, nơi “Phong trào phẫn nộ” bùng phát ngày 15/5/2011 và trở thành biểu tượng cho sự bất bình của dân chúng trước tình trạng bất bình đẳng xã hội và tỷ lệ thất nghiệp cao. Dự kiến, cuộc biểu tình sẽ kéo dài 4 ngày. Cùng ngày, các cuộc tuần hành, biểu tình cũng diễn ra tại nhiều thành phố khác của Tây Ban Nha, trong đó cuộc tuần hành ở thành phố Barcelona thu hút ít nhất 20.000 người.


Tại Anh, hàng trăm người biểu tình chống chủ nghĩa tư bản thuộc phong trào "Chiếm đóng" đã tuần hành hòa bình qua quận tài chính của Luân Đôn và tập trung bên ngoài các văn phòng của những tập đoàn ngân hàng lớn như Merrill Lynch và Santander.


Tại Brúcxen (Bỉ) và Lixbon (Bồ Đào Nha), hàng nghìn người cũng đã xuống đường tham gia các hoạt động tương tự nhằm kêu gọi chính phủ ban hành một loạt biện pháp, trong đó có đánh thuế toàn cầu đối với các giao dịch tài chính và thiết lập các cơ quan tài chính quốc tế dân chủ hơn.


Cũng liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính tại khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone), một nước thành viên khác là Hy Lạp vẫn đang loay hoay tìm cách tháo gỡ bế tắc chính trị khi không đảng nào thành lập được chính phủ mới sau cuộc tuyển cử ngày 6/5. Theo yêu cầu của Tổng thống Carolos Papoulias, ngày 13/5, lãnh đạo của 3 đảng đứng đầu trong cuộc tuyển cử vừa qua đã tổ chức đàm phán về chia sẻ quyền lực. Nếu các đảng không thể đạt được một thỏa hiệp trước ngày 17/5, một cuộc bầu cử lại sẽ được tổ chức vào tháng 6.


Cùng ngày, Phó Thủ tướng Hy Lạp Theodoros Pangalos cảnh báo nước này sẽ cạn tiền trong vòng 6 tuần tới nếu không nhận được thỏa thuận cứu trợ gây tranh cãi từ Liên minh châu Âu (EU). Trong cuộc tuyển cử ngày 6/5, người dân Hy Lạp đã bày tỏ thái độ của mình trước những chính sách khắc khổ của chính phủ khi “tẩy chay” các đảng cầm quyền và ủng hộ những đảng nhỏ hơn vốn phản đối các gói cứu trợ tài chính của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Thu Hằng - TTG

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN