Căng thẳng leo thang giữa hai nước thành viên NATO

Chuyến thăm Mỹ thành công của Thủ tướng Hy Lạp khiến Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng.

Chú thích ảnh
Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp có những tranh chấp kéo dài ở Biển Aegean. Ảnh: Ekathimerini.com

Theo báo Kathimerini (Hy Lạp) ngày 23/5, Hy Lạp có thể nâng cao vị thế và hình ảnh quốc tế sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis vào tuần trước, nhưng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức gia tăng sau đó.

Nguồn tin trên cho rằng Hy Lạp rõ ràng đang tìm cách nâng cao vị thế trong khu vực sau cuộc xung đột Nga-Ukraine và Mỹ cũng công nhận tiềm năng của Hy Lạp là một trung tâm năng lượng ở khu vực Đông Nam châu Âu. Bên cạnh đó, Mỹ cũng muốn tận dụng tầm quan trọng chiến lược mới của cảng Alexandroupoli ở phía Đông Bắc Hy Lạp.

Tuy nhiên, Chính phủ Hy Lạp rất lo ngại về lập trường ngày càng khó đoán của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn càng trở nên tồi tệ hơn bởi thực tế là Tổng thống Tayyip Erdogan đang bước vào thời kỳ chuẩn bị bầu cử, với triển vọng tiếp tục nắm giữ quyền lực trong thời gian dài.

Do đó, Hy Lạp đang theo dõi chặt chẽ bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phần còn lại của NATO (liên quan đến tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển), leo thang căng thẳng ở biển Aegean và gia tăng các động thái khiêu khích.

Cuối tuần trước, Hy Lạp đã phản ứng gay gắt sau khi hai máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc xâm phạm không phận Hy Lạp, chỉ cách thành phố cảng Alexandroupoli 2,5 hải lý. Bộ Ngoại giao Hy Lạp ngay lập tức thông báo cho các đồng minh và đối tác của nước này, cũng như EU, NATO và Liên hợp quốc, về vụ việc trên. Thông báo nhấn mạnh rằng vụ việc là leo thang rõ ràng về hành vi của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện cảng của Alexandroupoli đang được sử dụng để đưa quân đến Bulgaria và Romania - những quốc gia thành viên NATO chịu ảnh hưởng nhiều nhất của cuộc xung đột ở Ukraine. 

Tuy nhiên, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là phản ứng đối với việc biến Alexandroupoli thành một tuyến đường đi qua Dardanelles để cơ động lực lượng NATO, đồng thời cũng trở thành một trung tâm năng lượng để chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tới thị trường Balkan và Trung Âu.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Hy Lạp kích động căng thẳng một lần nữa hôm 21/5, với các nguồn tin an ninh nói rằng máy bay chiến đấu của Hy Lạp đã vi phạm không phận của họ 30 lần trong ba ngày qua. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cũng nhắc lại yêu cầu của mình rằng Hy Lạp phải phi quân sự hóa các đảo Aegean ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời chỉ trích Hy Lạp về chương trình trang bị vũ khí đang diễn ra.

Trong bài phát biểu khai mạc cuộc tập trận "Tổ quốc Xanh" của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 4 vừa qua, ông Akar nói rằng việc Hy Lạp kiên quyết triển khai quân trên 16 hòn đảo ở biển Aegean là vi phạm Hiệp ước Lausanne năm 1923.

Về chương trình mua sắm vũ khí, trong chuyến thăm Washington và hội đàm với Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Hy Lạp Mitsotakis tuyên bố rằng nước này sẽ bắt đầu quá trình mua một phi đội máy bay chiến đấu F-35, một chương trình mà Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Mỹ loại ra vào năm 2019 sau khi mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 từ Nga.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt nghi vấn làm thế nào mà Hy Lạp đang mắc nợ nặng lại có thể bắt tay vào một chương trình trang bị vũ khí đầy tham vọng, phản ánh mối lo ngại của họ về khả năng tăng cường sức mạnh của Hy Lạp. 

Mới nhất, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdoğan ngày 23/5 cho biết ông sẽ không nói chuyện với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và hủy cuộc họp quan trọng giữa hai chính phủ. Trong một bài phát biểu trên truyền hình sau cuộc họp Nội các, ông Erdoğan cáo buộc nước láng giềng Hy Lạp chứa chấp những tín đồ của lãnh đạo Fethullah Gülen, người bị cáo buộc đứng sau một âm mưu đảo chính thất bại tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016. 

Bên cạnh đó, ông Erdoğan chỉ trích Thủ tướng Mitsotakis đã khuyến nghị với các quan chức Mỹ rằng Washington không bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến thăm Mỹ gần đây. Trong bài phát biểu tại Washington vào ngày 17/5, ông Mitsotakis nói trước Quốc hội Mỹ rằng nên tránh tạo ra một nguồn bất ổn mới ở sườn phía Đông Nam của NATO.

Tháng này, Hy Lạp đã chính thức gia hạn thỏa thuận quân sự song phương với Mỹ trong 5 năm, theo đó tiếp tục cho phép quân đội Mỹ tiếp cận ba căn cứ ở Hy Lạp cũng như hiện diện của hải quân Mỹ trên đảo Crete. Phản ứng về vấn đề trên, ông Erdğgan đặt câu hỏi: “Hy Lạp đang đe dọa ai với những căn cứ này?".

Trong những năm gần đây, căng thẳng gia tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp do các cuộc tập trận quân sự và hải quân ở Biển Aegean và Đông Địa Trung Hải. Hai bên đều có tham vọng cạnh tranh và yêu sách về trữ lượng khí đốt trong khu vực. Hy Lạp cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm các quy tắc quốc tế ở Biển Aegean và Địa Trung Hải do các hoạt động tìm kiếm khí đốt tự nhiên. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng các hoạt động khoan dầu dựa trên các quyền hợp pháp của họ.

Công Thuận/Báo Tin tức
Quốc gia thành viên NATO cam kết gửi ‘sát thủ’ diệt hạm cho Ukraine
Quốc gia thành viên NATO cam kết gửi ‘sát thủ’ diệt hạm cho Ukraine

Lầu Năm Góc xác nhận Đan Mạch sẽ cung cấp tên lửa chống hạm Harpoon cho Ukraine. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN