Căng thẳng giữa Anh, Pháp liên quan đến hoạt động đánh bắt cá

Ngày 29/9, Pháp cáo buộc Anh chơi "trò chính trị" với quyền đánh bắt cá trong thỏa thuận thương mại hậu Brexit (chỉ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) sau khi London từ chối 3/4 đơn xin cấp phép đánh bắt của các tàu cá nhỏ nước Pháp muốn tiếp cận vùng biển Anh.

Chú thích ảnh
Ngư dân đánh cá ngoài khơi bờ biển phía Đông Nam nước Anh ngày 12/10/2020. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Hàng hải Pháp Annick Girardin nhấn mạnh việc Anh không phê duyệt giấy phép đánh cá cho phần lớn tàu cá của Pháp là động thái từ chối triển khai thỏa thuận Brexit và London không nên tận dụng sự việc này vì mục đích chính trị. 

Trước đó, ngày 28/9, phía Anh cho biết nước này đã phê duyệt 12 trong tổng số 47 tàu đánh cá cỡ nhỏ của Pháp được quyền đánh bắt cá ở khu vực 6-12 hải lý trong vùng biển nước Anh. Giới chức Anh cho biết sẵn sàng đối thoại với những chủ tàu bị từ chối, đồng thời nói rõ những tàu đã không cung cấp đầy đủ bằng chứng về lịch sử hoạt động đánh bắt cá trong khu vực trên như quy định trong Thỏa thuận hợp tác và thương mại (TCA), ký giữa Anh và EU hồi năm ngoái. Một người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết cách thức London giải quyết sự việc này là hợp lý và phù hợp với cam kết trong TCA. Quan chức này khẳng định liên quan đến khu vực 6-12 hải lý, các tàu của EU phải cung cấp bằng chứng về hồ sơ theo dõi hoạt động đánh bắt trong các vùng biển đó.

Chính phủ Anh cho biết đã cấp phép hoạt động cho khoảng 1.700 tàu đánh bắt cá trong khu vực 12-200 hải lý và phê duyệt 105 giấy phép khác cho các tàu đánh bắt cá trong khu vực 6-12 hải lý. Trước đó, Anh và Pháp đã triển khai các tàu tuần tra hàng hải ở ngoài khơi đảo Jersey của Anh sau khi một đội tàu cá của Pháp tập trung tại đảo này nhằm phản đối chính quyền đảo Jersey hạn chế quyền đánh cá. Tuy nhiên, các ngư dân Pháp khẳng định việc đưa tàu đến Jersey chỉ nhằm thể hiện sự bất bình.

Thanh Hương  (TTXVN)
EU giải ngân Quỹ Brexit cho các nước bị ảnh hưởng
EU giải ngân Quỹ Brexit cho các nước bị ảnh hưởng

Các chính phủ thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/9 đã phê chuẩn lần cuối cho gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 5,4 tỷ euro (6,3 tỷ USD) cho các nước thành viên bị ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế của việc Anh rời EU (hay còn gọi là Brexit). Trong số này, những nước được hưởng nhiều nhất là Pháp và Ireland.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN