Căng thẳng chính trị tại Sri Lanka leo thang

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa ngày 5/4 đã mất đa số ủng hộ trong quốc hội, trong bối cảnh các cuộc biểu tình đường phố tiếp diễn do tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và lạm phát tăng cao kỷ lục ở nước này. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa phát biểu trước Quốc hội ở thủ đô Colombo, ngày 18/1/2022. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN

Liên minh cầm quyền của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi nhiều bộ trưởng đồng loạt từ chức. Ngay trong ngày 5/4, bộ trưởng tài chính mới cũng đã từ chức chỉ sau 1 ngày đảm nhiệm vị trí. 

Trong khi đó, các cuộc biểu tình tại quốc gia Nam Á này đã bước sang ngày thứ 5. Tuy nhiên, ngay trong đêm 5/4, Tổng thống Rajapaksa đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vốn được áp đặt 5 ngày trước đó để ngăn chặn biểu tình. Giới phân tích cho rằng động thái này nhằm tránh cuộc bỏ phiếu tại quốc hội về các luật bất thường vì hiện chính phủ thiếu 5 ghế để hội đủ đa số ghế cần thiết (113 ghế). 

Phiên họp Quốc hội Sri Lanka ngày 5/4 là phiên họp đầu tiên kể từ khi hàng chục nghị sĩ “quay lưng” với chính quyền của Tổng thống Rajapaksa, trong đó có 16 nghị sĩ thuộc chính đảng Podujana Sri Lanka (SLPP) của ông.

Mặc dù chính phủ hiện nay chỉ là thiểu số trong quốc hội, nhưng chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy các nghị sĩ đối lập sẽ thúc đẩy cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ. Dù vậy, các đảng đối lập đã từ chối lời kêu gọi của Tổng thống Rajapaksa về việc tham gia một chính phủ đoàn kết nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng.

Trước đó, ngày 4/4, Văn phòng Tổng thống Sri Lanka ra tuyên bố cho biết Tổng thống Rajapaksa đề nghị tất cả các đảng phái chính trị trong quốc hội nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cho cuộc khủng hoảng trong nước hiện nay. Tuyên bố nhấn mạnh hiện là lúc các bên cần tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng vì lợi ích của người dân.

Tuyên bố được đưa ra sau khi 26 bộ trưởng trong Chính phủ Sri Lanka đồng loạt đệ đơn từ chức tại một phiên họp vào đêm 3/4. Một ngày sau đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ajith Cabraal cũng có động thái tương tự. Đặc biệt ngày 5/4, Bộ trưởng Tài chính Ali Sabry đã từ chức chưa đầy 24 giờ sau khi được bổ nhiệm.

Hiện nay, Sri Lanka, quốc gia có 22 triệu dân, đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1948 do thiếu ngoại tệ trầm trọng để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu. Colombo đã cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng từ tháng 3/2020 nhằm tích trữ ngoại tệ để trả 51 tỷ USD nợ nước ngoài. Đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến du lịch và nguồn kiều hối, cũng làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng của quốc gia Nam Á này.

Tình hình càng trở nên căng thẳng trong những ngày gần đây do thiếu nhiên liệu. Ngày 31/3, nhiều trạm xăng dầu trên cả nước đã cạn kiệt dầu diesel, khiến hoạt động vận tải công cộng bị tê liệt. Một ngày trước đó, công ty điện lực quốc gia Sri Lanka thông báo sẽ tăng thời gian cắt điện hàng ngày lên 13 giờ do thiếu dầu cho các nhà máy nhiệt điện.

Ngọc Hà (TTXVN)
Dự báo thế giới 2022: Thêm 1 năm lao đao vì đại dịch, biến đổi khí hậu và căng thẳng chính trị
Dự báo thế giới 2022: Thêm 1 năm lao đao vì đại dịch, biến đổi khí hậu và căng thẳng chính trị

Biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 và căng thẳng giữa các quốc gia sẽ khiến năm 2022 có thể sẽ hỗn loạn không khác gì 12 tháng vừa qua

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN