Canada: Thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, phát triển ở khu vực Biển Đông

Trong bối cảnh Canada tăng cường triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Viện Macdonald-Laurier của nước này đã phối hợp với Đại sứ quán Philippines tại Ottawa tổ chức cuộc hội thảo về lợi ích của Canada ở Biển Đông, trong đó tập trung vào vấn đề an ninh lương thực và môi trường biển cũng như tầm quan trọng của bối cảnh địa chính trị, pháp lý và kinh tế.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng ngoại giao Philippines Ma Theresa P. Lazaro phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Báo Tin tức phát

Hội thảo thu hút mối quan tâm của đông đảo chuyên gia, học giả và các quan chức Canada trong nhiều lĩnh vực từ an ninh chính trị đến kinh tế xã hội, cùng nhiều quan chức của Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Philippines. Sự kiện này có thể sẽ thúc đẩy những nỗ lực tích cực của phía Canada nhằm đảm bảo cho khu vực này được tự do, mở rộng, phát triển và thượng tôn pháp luật.

Ông Jonathan Miller, Giám đốc đối ngoại, quốc phòng và an ninh Viện Macdonald-Laurier, cho biết điều thú vị là hội thảo không chỉ đề cập tới vấn đề luật pháp, mà còn cả vấn đề an ninh lương thực, đa dạng sinh học và các mối liên kết kinh doanh khác, đặc biệt là vấn đề năng lượng được vận chuyển qua tuyến đường Biển Đông. 

Canada đang mong muốn trở thành đối tác tích cực, gắn kết và đáng tin cậy của ASEAN trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình khi có đồng quan điểm rằng Biển Đông là một phần nhỏ, nhưng rất quan trọng. Canada coi Việt Nam, Philippines, Indonesia và Malaysia, những nước cùng có tuyên bố chủ quyền, là đối tác quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích chung ở khu vực. 

Trả lời phóng viên TTXVN tại Ottawa, ông Randolph Mank, cựu Đại sứ Canada và là Chủ tịch Mank Global, cho biết chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã nói rõ rằng ASEAN, với tư các là khu vực hay từng quốc gia riêng lẻ, sẽ là trọng tâm để Canada tăng cường sự hiện diện. Về mặt kinh tế, Canada đã thành lập Văn phòng nông lương tại Manila để hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong vấn đề nông nghiệp và thực phẩm. Canada cũng sẽ có nhiều cơ hội hợp tác hơn với Việt Nam và các nước ASEAN khác trong vấn đề năng lượng thay thế, thu hồi carbon hay trí tuệ nhân tạo khi làn sóng phát triển công nghệ đang mang lại cho chúng ta nhiều cơ hội.

ASEAN được coi là có vai trò trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada và hai bên đã nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược trong chuyến công du gần đây tới khu vực này của Thủ tướng Justin Trudeau. Canada cũng đang theo đuổi một Hiệp định thương mại tự do với toàn bộ khu vực này và dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu đó vào năm 2025.

Ông Miller chia sẻ với phóng viên rằng Canada là quốc gia tập trung vào chủ nghĩa đa phương. ASEAN và Canada đã có quan hệ Đối tác chiến lược, nhưng trong ASEAN còn có các quốc gia riêng lẻ, với lịch sử và ngôn ngữ riêng cũng như nền kinh tế và lợi ích quốc gia riêng. Vì vậy, Canada cũng cần làm tốt cả việc xây dựng các mối quan hệ song phương như Canada - Việt Nam, Canada -Philippines hay Canada - Indonesia giống như những gì chúng ta đã đề cập tới trong hội thảo này. Chúng ta cần nghĩ tới việc vượt trên bối cảnh đa phương để xem xét về các mối quan hệ song phương và việc làm thế nào để cải thiện chúng.

Việt Nam đang được coi là một trong những thị trường mới nổi, có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Năm 2022, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 8%, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ sau thời gian gián đoạn do đại dịch COVID-19. Dự kiến, mức tăng trưởng trong năm nay sẽ vào khoảng gần 6%, đưa Việt Nam trở thành thị trường lớn thứ 35 thế giới, thứ 14 trong châu Á-Thái Bình Dương và thứ 4 trong ASEAN.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng ngoại giao Philippines Ma Theresa P. Lazaro chụp ảnh lưu niệm với các diễn giả và quan chức Đại sứ quán Philippines. Ảnh: Báo Tin tức phát

Ông Mank nhận xét: Việt Nam cực kỳ quan trọng đối với Canada. Chúng tôi không gặp khó khăn lớn trong quan hệ song phương với Việt Nam và điều tích cực ở Việt Nam là quốc gia mà Canada có quan hệ thương mại rất tốt. Chúng tôi đang hướng tới Việt Nam như một trung tâm sản xuất để thúc đẩy các loại công nghệ mà tôi từng đề cập ở trên phù hợp với khả năng của con người Việt Nam. Tôi cho rằng tương lai của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới là vô cùng tươi sáng.

Quan hệ thương mại thương mại của Việt Nam và Canada phát triển mạnh mẽ thời gian qua phần lớn là nhờ Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một thỏa thuận đa phương. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng và có một số điểm tương đồng về lợi ích như vấn đề Biển Đông. 

Hà Linh (TTXVN)
Hàn Quốc cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông
Hàn Quốc cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông

Hàn Quốc cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, dựa trên luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN