Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà:

Cần đạt được những cam kết chống biến đổi khí hậu

Sau khi Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-15) tại Côpenhagen (Đan Mạch) năm 2009 không đạt được những kết quả như mong đợi, hiện nay dư luận đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị COP-16 diễn ra từ ngày 29/11 đến 10/12 tại thành phố biển Cancun (Mêhicô). Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự COP-16, đã có cuộc trao đổi với PV TTXVN về một số vấn đề trong chương trình nghị sự hội nghị và lập trường của Việt Nam, của ASEAN trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Trần Hồng Hà khẳng định, hội nghị lần này đòi hỏi các quốc gia thành viên nỗ lực nhiều hơn nữa để trao đổi ý kiến, phối hợp lập trường nhằm đạt được những kết quả cụ thể trong đàm phán, bù lại những điều chưa đạt được của COP-15. Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh Nghị định thư Kyoto, cơ sở pháp lý đầu tiên liên quan tới trách nhiệm và những mục tiêu nhằm giảm khí phát thải, sẽ hết thời hạn vào năm 2012, nên COP-16 sẽ có nhiệm vụ hết sức quan trọng là thúc đẩy đàm phán để thỏa thuận đưa Nghị định thư Kyoto hoặc tiếp tục bước sang giai đoạn II, hoặc tiến tới một giai đoạn đệm, chuẩn bị cho một chương trình hành động có tính cam kết dài hạn hơn nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.

Liên quan tới vai trò của Việt Nam và các nước ASEAN, ông Trần Hồng Hà cho biết sẽ tích cực tham gia vào những cam kết có tính pháp lý của Nghị định thư Kyoto, đồng thời kêu gọi các nước phát triển phải có trách nhiệm và thực hiện đầy đủ những cam kết của mình trong việc cắt giảm từ 25 đến 40% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 1990. Bên cạnh đó, nhờ có sự hỗ trợ và chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển, Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN khác thực hiện những biện pháp cắt giảm khí thải vì những nỗ lực chung của toàn cầu.

Toàn cảnh một phiên họp tại COP-16. Ảnh: AFP-TTXVN


Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Hồng Hà, một trong những yếu tố quan trọng nhất trong nỗ lực chung nhằm giảm thiểu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay là việc làm thế nào để các nước hiện có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ cần tích cực tham gia đàm phán để đạt tới những thỏa thuận hay những cam kết có tính dài hạn, như tạo ra các cơ chế tài chính hoặc xây dựng quan hệ hợp tác nhằm chuyển giao công nghệ…

Trưởng đoàn Việt Nam nhận định, nếu Hội nghị COP-16 đạt được những kết quả khả quan nhất và giai đoạn II của Nghị định thư Kyoto được tiếp tục, từ nay đến năm 2020, các nước phát triển phải giảm lượng khí thải từ 25 đến 40%, đồng thời có trách nhiệm tạo lập các quỹ nhằm thúc đẩy hợp tác thông qua việc chuyển giao công nghệ, hay thực hiện các chính sách về phát triển kinh tế theo hướng ít cácbon… từ đó mới tạo ra kết quả chung, đáp ứng yêu cầu chung là giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Ông Trần Hồng Hà cũng bày tỏ hy vọng cộng đồng thế giới sẽ giữ lại được những cơ sở pháp lý, những điều kiện hay cơ chế chính sách đã được tạo lập và sớm đạt được một chương trình hợp tác dài hạn chống biến đổi khí hậu trước khi Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực.

Ngọc Quỳnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN