Campuchia khẩn cấp cứu trợ cho học sinh vùng biên giới

Ngày 26/2, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia phối hợp cùng Chính phủ Thụy Điển và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khẩn cấp hỗ trợ sách giáo khoa một số môn chính cho các học sinh ở khu vực biên giới đang đứng trước nguy cơ phải bỏ học do nhiều cơ sở trường lớp đã được sử dụng làm trung tâm cách ly trong bối cảnh dịch COVID-19. 

Phóng viên TTXVN tại Phnom Penh dẫn thông cáo báo chí của Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia, Chính phủ Thụy Điển và Văn phòng UNICEF, cho biết dù năm học mới ở Campuchia bắt đầu từ ngày 11/1 vừa qua, nhưng có 13 trường tiểu học, 37 trường trung học cơ sở ở các tỉnh Tây Bắc giáp giới với Thái Lan, gồm Battambang, Banteay Meanchey và Oddor Meanchey, không thể khai giảng theo kế hoạch.

Những ngôi trường này không thể mở cửa đón học sinh vìđược sử dụng làm trung tâm cách ly cho lượng lớn lao động di cư Campuchia từ Thái Lan về nước, theo chỉ đạo của Chính phủ Campuchia nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan của dịch COVID-19. 

Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia cho biết sẽ nhanh chóng đánh giá nhu cầu của các học sinh không thể đến trường và tiếp cận sách giáo khoa. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất cho ngành giáo dục Campuchia do các học sinh buộc phải học ở nhà, hoặc chuyển sang những trường lân cận. Theo kế hoạch, với sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Điển và Văn phòng UNICEF, khoảng 35.055 sách giáo khoa những môn chính, từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ nhanh chóng được chuyển tới các tỉnh Tây Bắc để giúp cho 32.486 học sinh có thể tiếp tục học tập. 

Hôm 22/2, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát sau “Sự kiện cộng đồng ngày 20/2”, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia thông báo Thủ tướng Hun Sen đã đồng ý đề xuất của bộ này cho phép tạm ngừng hoạt động tất cả các trường công lập và tư thục tại thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal (giáp ranh) trong thời gian 2 tuần.

Theo thông cáo báo chí của Bộ Y tế Campuchia, tính đến sáng 26/2, Campuchia ghi nhận 44 ca nhiễm mới, gồm 40 trường hợp liên quan tới “Sự kiện lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2” và 4 ca nhập cảnh. Trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng, ngoài công dân Campuchia, còn có công dân Malaysia và Việt Nam ở độ tuổi từ 19 đến 39. Đến nay, Campuchia đã có tổng số 741 ca mắc COVID-19, trong đó có 477 trường hợp đã bình phục và không có ca tử vong.

Các quốc gia Đông Nam Á khác cũng ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới. Thái Lan ngày 26/2 thông báo có thêm 45 ca nhiễm mới, trong đó 37 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Theo Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 (CCSA), Thái Lan hiện có tổng cộng 25.809 ca nhiễm, trong đó 23.056 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh. Đến nay, 24.952 người đã bình phục và 774 ca đang được điều trị tại các bệnh viện. Số người không qua khỏi do COVID-19 tại Thái Lan là 83 người. 

Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines cùng ngày cho biết nước này có thêm 2.651 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất trong hơn 4 tháng qua, và 46 ca tử vong do COVID-19. Theo cơ quan này, hiện tổng số ca nhiễm và tử vong tại Philippines đã tăng lên lần lượt là 571.327 ca và 12.247 ca. 

Philippines, quốc gia có số ca bệnh cao thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ nhận được lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên vào cuối tuần này, theo đó cho phép khởi động chiến dịch tiêm chủng quốc gia từ tuần tới.

Trần Long - Trần Quyên (TTXVN)
COVID-19 tại ASEAN hết 25/2: Campuchia có 65 ca mắc mới; Nhiều nước bắt đầu tiêm chủng
COVID-19 tại ASEAN hết 25/2: Campuchia có 65 ca mắc mới; Nhiều nước bắt đầu tiêm chủng

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 25/2, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận 12.841 ca mắc COVID-19 và 348 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 2.407.949 ca, trong đó 52.166 người tử vong. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN