Các ứng viên có thể làm gì để thách thức kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ

Những nỗ lực thách thức đối với kết quả bầu cử không còn là điều quá xa lạ ở Mỹ.

Chú thích ảnh
Người dân tham gia bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử ở Mỹ. Ảnh: Ohio Journal

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump và các đồng minh đã đưa vấn đề này lên cao trào, với các cáo buộc về hành vi gian lận mặc dù không đưa được ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào và cho rằng lẽ ra ông đã chiến thắng trong một cuộc bầu cử công bằng.

Năm nay, các ứng cử viên có mối liên hệ với cựu Tổng thống Trump như Kari Lake, ứng viên đảng Cộng hòa được đề cử cho chức thống đốc ở Arizona và Doug Mastriano, ứng viên đảng Cộng hòa cho chức thống đốc Pennsylvania, từ chối cho biết liệu họ có chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 hay không. Điều này khiến giới quan sát bầu cử lo ngại năm 2022 sẽ chứng kiến ​​một làn sóng bác bỏ vô căn cứ đối với các lá phiếu.

Dưới đây là những cách để bên thua cuộc thách thức kết quả bầu cử vào tháng 11:

Kiểm lại phiếu

Việc kiểm lại phiếu diễn ra tương đối phổ biến trong các cuộc bầu cử tại Mỹ, đặc biệt là trong các cuộc bầu cử địa phương – nơi mà kết quả thường sát nút nhau. Tuy nhiên, phương thức này hiếm khi làm thay đổi kết quả.

Theo Hội nghị Cơ quan Lập pháp Quốc gia, tại 22 tiểu bang và thủ đô Washington, D.C., một cuộc kiểm lại phiếu được kích hoạt tự động nếu chênh lệch tỷ lệ thắng-thua là 0,5%.

Tại 41 tiểu bang và Washington, một ứng cử viên hoặc cử tri có thể yêu cầu kiểm phiếu lại, với điều kiện tổng số phiếu bầu phải nằm trong một biên độ nhất định. Trong khi đó, một số ít các bang không cho phép kiểm lại phiếu theo luật pháp địa phương. Cách duy nhất trong trường hợp này là ứng viên phải nộp đơn kiện lên tòa.

Theo một nghiên cứu công bố năm 2019 của tổ chức phi đảng phái Fair Vote, tổng cộng trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2019 với gần 6.000 lần tranh đua, có 31 cuộc kiểm phiếu lại được tiến hành và chỉ có 3 cuộc được thay đổi kết quả.

Năm 2020, bang Georgia đã tính lại số phiếu ba lần riêng biệt và sau mỗi lần đều xác nhận chiến thắng trên toàn tiểu bang cho Tổng thống Joe Biden. Tại bang Arizona, một cuộc kiểm lại phiếu do Đảng Cộng hòa dẫn đầu bị các chuyên gia chỉ trích là thiếu sót về mặt phương pháp đã xác nhận chiến thắng của Tổng thống Biden gần một năm sau cuộc bầu cử.

Chú thích ảnh
Lá phiếu cho cử tri bang Utah. Ảnh: Kuer

Kiện tụng

Khởi kiện sau bầu cử là chuyện thường xuyên xảy ra ở Mỹ, thường tập trung vào các vấn đề thủ tục như lá phiếu gửi qua đường bưu điện có thiếu thông tin hay đến đúng giờ hay không. Năm 2020, hàng chục tòa án đã bác bỏ cáo buộc của cựu Tổng thống Trump. Tuy nhiên, kịch bản kiện tụng tương tự có thể xảy ra sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022.

Bo Dul, cố vấn cấp cao của Trung tâm Dân chủ Thống nhất phi đảng phái, cho biết: "Do nhiều ứng viên tranh cử tiếp nhận chủ nghĩa từ chối kết quả bầu cử, trong năm nay, chúng ta có thể chứng kiến một loạt cáo buộc vô căn cứ về hành vi gian lận bầu cử”.

Chứng nhận kết quả

Vài tuần sau Ngày bầu cử, kết quả bầu cử mới được coi là chính thức khi các quan chức bầu cử chứng nhận chúng.

Không giống như nhiều quốc gia phương Tây khác, cơ quan phụ trách bầu cử của Mỹ có tính phi tập trung cao. Quy trình chứng nhận giữa các tiểu bang khác biệt. Bên cạnh đó, trước khi quan chức bầu cử quốc gia chứng thực kết quả chính thức, giới chức địa phương cũng có thể công bố kết quả trước.

Giới quan sát bầu cử cho rằng sự phân quyền này là một con dao hai lưỡi. Một quan chức có thể làm gián đoạn quá trình bằng cách từ chối chứng nhận kết quả.

Đầu năm nay, bang New Mexico đã đưa ra một viễn cảnh về những gì có thể xảy ra vào tháng 11. Sau cuộc bầu cử sơ bộ, một ủy ban quận do đảng Cộng hòa kiểm soát đã từ chối chứng nhận kết quả với lý do cho rằng máy bỏ phiếu gặp vấn đề. Ủy ban chỉ chấp nhận chứng nhận kết quả sau khi Tòa án tối cao bang ra lệnh cho họ làm theo yêu cầu của Tổng Thư ký bang New Mexico.

Ở bang Pennsylvania, ba quận đã không chứng nhận kết quả bầu cử sơ bộ hồi tháng 5 khi họ từ chối đếm các lá phiếu chưa ghi ngày tháng. Đến tháng 8, một tòa án tiểu bang đã yêu cầu họ chứng nhận. Tuy nhiên, việc kiện tụng về những lá phiếu chưa ghi ngày tháng vẫn chưa được thụ lý.

Theo một cuộc thăm dò của tờ Washington Post, hơn một nửa ứng cử viên đảng Cộng hòa chạy đua vào quốc hội và các cơ quan chính quyền trên khắp các tiểu bang đặt nghi vấn về kết quả bầu cử năm 2020. Một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa thậm chí tìm cách tăng cường tham gia và kiểm soát các ủy ban bầu cử.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Tác động của bầu cử giữa nhiệm kỳ tới chính sách đối ngoại Mỹ
Tác động của bầu cử giữa nhiệm kỳ tới chính sách đối ngoại Mỹ

Kế hoạch viện trợ tài chính cho Ukraine của Mỹ sẽ phần nào bị ảnh hưởng nếu như đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 8/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN