Các tour du lịch biên giới Triều Tiên rơi vào tầm ngắm sau vụ lính Mỹ đào tẩu

Giới phân tích dự đoán khách du lịch sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn nhiều trong tương lai nếu các tour thăm quan biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc nối lại sau vụ việc một lính Mỹ vượt biên hồi tuần trước.

Chú thích ảnh
Quân nhân Travis T. King (mặc áo đen và đội mũ) tham gia tour tham quan JSA. Ảnh: Reuters 

Sau khi rời nhà tù ở Hàn Quốc do trước đó bị giam giữ giam giữ vì tội hành hung và phải đối mặt với các biện pháp kỷ luật quân sự bổ sung ở Mỹ, binh sĩ Pvt. Travis King đã được hộ tống đến sân bay để trở về căn cứ Fort Bliss, bang Texas. Nhưng thay vì lên máy bay, anh ta đã rời đi và tham gia chuyến tham quan làng biên giới Panmunjom của Triều Tiên.

Tại đây, với trang phục dân thường, King tách khỏi nhóm 40 khách du lịch đang được hướng dẫn quanh Khu vực An ninh chung (JSA) bên trong Khu phi quân sự (DMZ) và chạy qua biên giới. King là một trinh sát kỵ binh trực thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Bộ binh 12, nhóm chiến đấu Lữ đoàn 2, Sư đoàn 4 Bộ binh. Anh ta nhập ngũ vào tháng 1/2021 và chưa thực hiện một đợt triển khai nào. Thời điểm xảy ra vụ việc, người lính này được quan sát thấy đang chạy về phía Triều Tiên và bị bắt giữ.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC) do Mỹ lãnh đạo đã đình chỉ vô thời hạn tất cả các chuyến thăm quan của JSA. Ngày 24/7, Trung tướng Andrew Harrison, Phó Chỉ huy của bộ này, cho biết vẫn chưa có quyết định chính thức khi nào nối lại các chuyến tham quan.

Các tour tham quan DMZ ngăn cách hai miền Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn còn chiến tranh là chuyến đi phổ biến cho khách du lịch muốn được nhìn tận mắt về cuộc sống tại quốc gia bí ẩn nhất thế giới. Các chuyến tham quan được tổ chức nhằm mục đích giáo dục mọi người và nâng cao nhận thức về "cuộc xung đột đóng băng" sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn.

Không phải tất cả các chuyến tham quan DMZ đều có điểm dừng chân ở JSA. Đây là nơi duy nhất mà du khách có thể bước tới và thậm chí chỉ trong chốc lát qua biên giới vào Triều Tiên.

Jacco Zwetsloot - cựu hướng dẫn viên du lịch của JSA cho biết, đối với các công ty lữ hành, tour du lịch JSA là một trong những gói bán được với tỷ suất lợi nhuận cao nhất ở Hàn Quốc, do các công ty du lịch hoàn toàn không phải trả chi phí, ngoại trừ xe buýt và tài xế.

Tham quan JSA miễn phí đối với công dân Hàn Quốc, nhưng theo thông tin trên trang Tripadvisor, chuyến tham quan mà quân nhân King tham gia có giá khởi điểm là 180 USD.

Ông Zwetsloot dự đoán sau vụ việc lính Mỹ vượt biên lần này, cơ chế giám sát các tour du lịch sẽ thay đổi, có thể bao gồm quy mô nhỏ hơn, chỉ còn 10 người mỗi nhóm, hoặc giữ khoảng cách của các nhóm du khách với đường biên giới.

"Theo tôi, trong vòng một năm tới, các tour tham quan sẽ được thiết kế lại. Nhưng có lẽ nó sẽ không miễn phí và dễ dàng được như trong 40 năm qua”, Zwetsloot lưu ý đến việc an ninh được siết chặt.

Lim Eul-chul, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Kyungnam, cho biết các nhà chức trách nên tập trung vào cách giám sát tốt hơn các nhóm du khách trong khi vẫn duy trì mở cửa khu vực này cho công chúng.

Bất chấp tên gọi của nó, DMZ thành lập sau cuộc chiến tranh 1950-1953 được củng cố nghiêm ngặt bằng dây thép gai và bãi mìn ở hai bên của vùng đệm rộng 4km.

"Không bao giờ đây đơn giản chỉ là một điểm đến du lịch. Nó vẫn có số lượng lớn bom mìn ẩn náu trên khắp khu vực phi quân sự kể từ khi chiến tranh kết thúc. Cần phải duy trì sự cân bằng liên tục giữa giá trị giáo dục và rủi ro đối với cá nhân trong DMZ”, Trung tướng Harrison cho hay.

Ông Zwetsloot chỉ ra trường hợp của lính Mỹ King là vụ vượt biên thành công đầu tiên của một khách du lịch JSA từ trước đến nay. Năm 2001, một nhà hoạt động kiêm bác sĩ người Đức đã tìm cách vượt biên trong nỗ lực nâng cao nhận thức về các vấn đề nhân quyền, nhưng bị lính canh ở Hàn Quốc ngăn chặn.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Mỹ: Trung Quốc, Nga có thể giúp giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên
Mỹ: Trung Quốc, Nga có thể giúp giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên

Ngày 25/7, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Vedant Patel cho rằng Trung Quốc và Nga với tư cách các nước ủy viên Hội đồng Bảo an LHQ, có thể đóng vai trò trong việc đưa Triều Tiên trở lại bàn đối thoại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN