Các quốc gia siết chặt biên giới vì biến thể SARS-CoV-2 lan nhanh

Nhiều quốc gia đang siết chặt biên giới trước tình hình các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 lây lan nhanh chóng. Trong đó, Mỹ đã ra lệnh cấm nhập cảnh từ ngày 30/1 đối với những người không phải công dân nước này từng đến Nam Phi.   

Chú thích ảnh
Nhiều quốc gia chọn các "đóng cửa" biên giới để ngăn chặn virus biến thể lây lan. Ảnh: AFP

Mới đây, Johnson & Johnson và Novavax tuyên bố vaccine của họ có tác dụng cao trong phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, thông báo trên còn bao gồm lưu ý rằng: Tỷ lệ hiệu quả của vaccine Novavax chỉ đạt mức thấp tại châu Phi, nơi một chủng virus biến thể có tính lây lan nhanh đang chiếm phần lớn số ca nhiễm. 

Theo báo New York Times, các nghiên cứu cho thấy biến thể này cũng làm giảm hiệu quả phòng ngừa của vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna.

Được phát hiện đầu tiên tại Nam Phi, biến thể mang tên B.1.351 đã lây lan đến ít nhất 31 quốc gia, trong đó tại Mỹ đã ghi nhận hai ca nhiễm tuần trước.

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh lây nhiễm hàng đầu tại Mỹ, từng phát biểu hồi cuối tháng 1 rằng các biến thể của virus SARS-CoV-2 nên được coi là hồi chuông cảnh tỉnh đối với công chúng. Ông cũng cảnh báo các hãng sản xuất vaccine rằng họ cần khẩn trương điều chỉnh để tạo ra những loại vaccine đặc trị, đặc biệt đối với các loại virus biến thể.

Các quốc gia khác đang hy vọng làm chậm sự lây lan của một số virus biến thể cũng sẽ sớm đưa ra những biện pháp giới hạn mới. 

Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố sẽ dừng các chuyến bay từ Mexico và một số quốc gia vùng Caribe đến nước này. Hành khách quốc tế sẽ phải làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 khi nhập cảnh Canada, đồng thời có thể phải chờ nhận kết quả trong thời gian 3 ngày tại một khách sạn được chỉ định và tự trả chi phí lưu trú.

Tại Pháp và Đức cũng vừa triển khai các lệnh giới hạn mới. Bắt đầu từ ngày 31/1, Pháp cấm đa số hoạt động đi lại từ các nước bên ngoài Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng Jean Castex cho biết ngoại trừ các công nhân làm việc xuyên biên giới, hành khách từ EU phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính trước khi vào Pháp. 

Chú thích ảnh
Một nhà máy sản xuất vaccine của GlaxoSmithKline tại Pháp. Ảnh: AFP

Trong khi đó ở Đức, những người không phải công dân nước sở tại đến từ các nước như Bồ Đào Nha, Brazil, Nam Phi, Lesotho và Eswatini, Anh và Ireland sẽ bị cấm nhập cảnh, ngay cả khi họ có kết quả âm tính với COVID-19. 

Tại Séc, Bộ Ngoại giao nước này thông báo chính phủ đã cấm việc nhập cảnh vì mục đích không thiết yếu vào nước này kể từ ngày 30/1. Đây là một phần trong nỗ lực siết chặt các biện pháp hạn chế của chính phủ trong bối cảnh có nhiều quan ngại về sự lây lan của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh. Lệnh mới không áp dụng với những người di chuyển vì mục đích công tác hoặc thăm thân.

Mỹ cũng mở rộng lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Brazil, Anh và 27 nước châu Âu. Ca nhiễm loại virus biến thể Brazil đầu tiên tại Mỹ, hay còn gọi là P.1, đã được ghi nhận tại bang Minnesota hồi đầu tuần trước. Giới khoa học cho rằng P.1 có đặc tính tương tự với chủng ở Nam Phi vì chúng có những điểm tương đồng về chuỗi gien. 

Mặc dù các loại vaccine COVID-19 hiện nay chứng minh được hiệu quả phòng ngừa trong nghiên cứu đối với chủng B.1.1.7 lây nhiễm nhanh tại Anh, nhưng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cảnh báo B.1.1.7 có thể trở thành nguồn lây nhiễm chính tại quốc gia này vào tháng 3 tới, đồng thời là nguyên nhân dẫn đến các ca tử vong. 

Tiến sĩ Rochelle Walensky, tân Giám đốc CDC, ngày 31/1 thông báo chủng virus được phát hiện đầu tiên tại Anh hiện đã gây ra 379 ca mắc tại 29 bang. Bà cho biết giới chức y tế vẫn lo ngại về các biến thể và đang tăng cường hoạt động theo dõi để giám sát chặt chẽ chúng.

Khác Anh, Mỹ chỉ phân tích rất ít chuỗi gien cần thiết để theo dõi sự lây lan của các biến thể. Tình trạng một số biến thể lan nhanh đã tạo thêm tính cấp bách mới nhằm tăng tốc độ phân phối vaccine. EU đang vật lộn với việc cung cấp vaccine bị gián đoạn, trong khi Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng chậm chạp, rối ren ở Mỹ.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Cảnh sát Mỹ đối mặt với 'bão chỉ trích' vì video còng tay, xịt hơi cay vào cô bé 9 tuổi
Cảnh sát Mỹ đối mặt với 'bão chỉ trích' vì video còng tay, xịt hơi cay vào cô bé 9 tuổi

Cảnh sát New York (Mỹ) đang vấp phải nhiều chỉ trích sau đoạn video rò rỉ có hình ảnh thành viên lực lượng này còng tay và xịt hơi cay vào một cô bé 9 tuổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN