Các hãng xếp hạng tín dụng ngày càng mất uy tín

Khi các thị trường tài chính phát triển ngày càng phức tạp, các nhà đầu tư ngày càng có nhu cầu nhận biết mức độ an toàn và khả năng sinh lời của các sản phẩm tài chính để có thể đưa ra được những quyết định đầu tư đúng đắn. Các cơ quan xếp hạng tín dụng (CRA) đã ra đời từ nhu cầu đó, đóng vai trò trung gian giữa nhà phát hành nợ, chứng khoán và nhà đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ những phân tích, đánh giá của các cơ quan này đã bộc lộ những sai lầm, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua cũng như trong cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu hiện nay. Người ta đang đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của những phân tích, đánh giá, thậm chí là về sự tồn tại của các CRA.

Tiếng nói có trọng lượng

Ba CRA lớn nhất thế giới hiện nay về thị phần là Standard & Poor’s (S&P), Moody’s và Fitch Ratings, trong đó Moody’s và S&P kiểm soát 40% thị phần xếp hạng tín dụng toàn cầu, còn Fitch là 15%. Mỗi dấu cộng (+) hoặc trừ (-) của các CRA đều tự động kích hoạt dòng chảy vào hoặc ra lên đến hàng tỷ USD đối với một loại tài sản nào đó. Khi hạ mức tín nhiệm chứng khoán một công ty, S&P, Moody’s hoặc Fitch sẽ kích hoạt một sự hoảng loạn, buộc công ty đó phải tìm cách huy động nguồn vốn mới càng sớm càng tốt nếu không muốn bị phá sản. Không chỉ có thể làm thay đổi số phận của các công ty, những CRA này còn có thể làm thay đổi vận mệnh của một quốc gia và thậm chí là cả thế giới. Giới phân tích cho rằng, các xếp hạng của những CRA hàng đầu thế giới góp một phần không nhỏ trong việc gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu vừa qua.

Logo của 3CRA hàng đầu thế giới. Ảnh: Internet


Việc Moody’s liên tiếp hạ mức xếp hạng của Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ailen xuống dưới mức đầu tư đã khiến thị trường toàn cầu lao dốc. Khi đưa ra các gói ứng cứu cho Hy Lạp, các nhà hoạch định chính sách châu Âu phải tính đến việc làm thế nào để Hy Lạp được ứng cứu nhưng không bị các CRA xếp vào diện vỡ nợ, nếu không hoạt động ứng cứu của họ sẽ thành công cốc. Tại Mỹ, nếu chính phủ và quốc hội không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công, các CRA sẽ vào cuộc. Một khi Mỹ bị hạ tín nhiệm như cảnh báo, chi phí vay mượn của Mỹ sẽ gia tăng, thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới là Phố Uôn sẽ rớt điểm thê thảm, kéo theo sau đó là thị trường chứng khoán toàn cầu. Việc hạ mức xếp hạng của Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng đến giá trị tài sản toàn cầu, vì hiện nay trái phiếu Mỹ chiếm một lượng lớn trong tài sản dự trữ của các nước.

Hình thức hoạt động có vấn đề

Hầu hết các CRA hoạt động theo một trong hai hình thức. Ban đầu, tất cả các công ty hoạt động dựa vào các thuê bao, tức là không cung cấp xếp hạng miễn phí mà chỉ cung cấp cho các thuê bao có nhu cầu. Phần lớn các CRA nhỏ hiện vẫn hoạt động theo hình thức được cho là sẽ giúp các xếp hạng ít bị xung đột lợi ích hơn này. Trong khi đó, hầu hết các CRA vừa và lớn lại hoạt động theo hình thức mà trong đó các nhà phát hành nợ, chứng khoán phải trả tiền cho việc xếp hạng sản phẩm nợ của họ. Theo hình thức này, các CRA vẫn cung cấp các phân tích, đánh giá và xếp hạng chi tiết hơn đối với một nhà phát hành nợ cho các thuê bao, song dịch vụ này chỉ đóng một phần nhỏ trong doanh thu của CRA, còn doanh thu chủ yếu là từ các nhà phát hành trái phiếu (đi vay). Điều gây tranh cãi là hình thức hoạt động thứ hai của các CRA. Hình thức này bị chỉ trích về sự xung đột lợi ích khi dùng tiền của chính nhà phát hành nợ để xếp hạng nợ của họ, điều có thể dẫn tới những đánh giá sai lầm.

Điển hình là trường hợp Lehman Brothers trong cuộc khủng hoảng vừa qua. Chỉ một ngày trước khi ngân hàng này nộp đơn xin phá sản, Moody’s, S&P và Fitch vẫn dành cho tập đoàn này các mức xếp hạng cao như A, AA và A+. Với những đánh giá cực kỳ sai lầm này, giới đầu tư toàn cầu vẫn cảm thấy an toàn cho đến giây phút cuối cùng trước khi thị trường bị vỡ vụn.

Nhiều người muốn có một mô hình kinh doanh mới cho các CRA, trong đó chính các nhà đầu tư chứ không phải công ty phát hành chứng khoán mới là người đăng ký đánh giá chứng khoán.

Trước “búa rìu” của dư luận

Các CRA bị chỉ trích nặng nề về trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, do đã đưa ra xếp hạng quá cao đối với các loại chứng khoán có độ rủi ro cao và cuối cùng gây ra sự bất ổn trên các thị trường tài chính. Năm 2009, S&P, Fitch và Moody’s đều đã phải thừa nhận sai lầm trong việc đánh giá các khoản vay dưới chuẩn tại Mỹ, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng vừa qua đi, các CRA lại quá bi quan trong việc đánh giá tình hình tài chính của một số nước thuộc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Trong khi vấn đề làm thế nào để các nhà đầu tư tư nhân tự nguyện tham gia vào gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp vẫn bị mắc kẹt, ngày 4/7, S&P tuyên bố sẽ coi việc “dùng nợ cũ đổi nợ mới” mà khối ngân hàng Pháp và Đức đưa ra là sự “vỡ nợ có lựa chọn”. Điều khiến các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) không ngờ tới là ngày hôm sau, Moody’s lại bất ngờ tuyên bố sẽ hạ xếp hạng tín dụng của Bồ Đào Nha từ cấp 4 xuống cấp “rủi ro”. Những đánh giá này khiến tâm lý lo sợ của thị trường gia tăng, lãi suất trái phiếu của Bồ Đào Nha leo thang, thị trường chứng khoán châu Âu và đồng euro biến động rất mạnh. Ngày 25/7, Moody’s lại hạ xếp hạng tín dụng của Hy Lạp thêm 3 điểm, chỉ còn 2 điểm nữa là tới mức vỡ nợ, đồng thời cảnh báo các nhà đầu tư có thể thiệt hại vì gói cứu trợ thứ hai dành cho quốc gia đang chìm trong nợ nần này.

Các nhà lãnh đạo EU hết sức bất bình trước những quyết định không đúng lúc đó của các CRA. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble khẳng định không có chứng cứ nào rõ ràng khi Moody’s hạ tới 4 bậc xếp hạng tín dụng của Bồ Đào Nha hay tuyên bố về khả năng nước này cần tới gói giải cứu thứ hai. Ông kêu gọi phải phá vỡ thế độc quyền xếp hạng tín dụng hiện nay, tìm kiếm một sự đánh giá công bằng hơn.

Chủ tịch ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso cũng tỏ ý nghi ngờ về sự lựa chọn thời điểm và mức độ hạ bậc của Moody’s đối với Bồ Đào Nha, cho rằng động thái này có khuynh hướng “chống lại châu Âu” rõ rệt, khi đã mở đường cho hoạt động đầu cơ của thị trường tài chính. Nhiều chuyên gia cho rằng “cuộc chiến xếp hạng tín dụng” ở hai bờ Đại Tây Dương đã bộc lộ sự nghi ngờ của cộng đồng quốc tế về uy tín của 3 CRA lớn.

Các nhà lãnh đạo EU đang soạn thảo luật nhằm hạn chế các CRA, với giải pháp là nâng cao nghĩa vụ pháp lý của việc xếp hạng. Nếu được Nghị viện châu Âu và các nhà lãnh đạo của châu lục này thông qua, luật có thể có hiệu lực ngay từ cuối năm 2012. Châu Âu cũng đang vận động thành lập cơ quan xếp hạng tín dụng độc lập. Các chính trị gia đã đề nghị châu Âu thành lập tổ chức xếp hạng tín dụng của mình, nhằm làm giảm ảnh hưởng của “bộ tam” đầy quyền lực. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây kêu gọi về việc thành lập cơ quan xếp hạng tín dụng của châu Âu, như một đối trọng với các CRA của Mỹ.

Ở châu Á, Bắc Kinh cũng tức giận trước việc các CRA phương Tây chưa thể đánh giá tín dụng đầy đủ cho thực lực nền kinh tế Trung Quốc, do đó đẩy chi phí vay nợ của quốc gia này tăng cao. Nước này đã tự mình công bố báo cáo xếp hạng tín dụng nhằm đáp trả. Trong lúc các CRA uy tín nhất thế giới như Moody’s, S&P và Fitch bị chỉ trích nặng nề về trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, một số nhà phân tích cho rằng xếp hạng của Dagong, CRA tư nhân của Trung Quốc, có thể cung cấp một cái nhìn khách quan hơn về tình hình tài chính thực sự của các chính phủ châu Âu và Bắc Mỹ.

Ở cấp độ doanh nghiệp, một số công ty quản lý đầu tư lớn nhất thế giới đang có xu hướng thoát ly khỏi tầm ảnh hưởng của các CRA lớn trong các quyết định đầu tư của mình. Các công ty này cho rằng, do dựa trên các phương pháp lạc hậu, đánh giá của các CRA không xác đáng. Theo người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tín dụng của công ty quản lý đầu tư Pioneer Investments, Garrett Walsh, những đánh giá của công ty này còn chi tiết, kịp thời hơn so với đánh giá của các CRA. Pimco, công ty đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới, hiện có hệ thống đánh giá riêng về tất cả các nước phát hành trái phiếu. Hãng này sẽ so sánh những đánh giá riêng của mình với đánh giá của các CRA, song sẽ đưa ra các quyết định độc lập.

TKT
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN