Bùng nổ "cuộc chiến" hàng không giá rẻ

Các chuyên gia trong ngành hàng không nhận định, mặc dù nhiều hãng hàng không hạng sang trong khu vực châu Á đã phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, song lại đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng hàng không giá rẻ như AirAsia và Jetstar, đối tượng được hưởng lợi và nổi lên trong giai đoạn suy thoái kinh tế vừa qua.

Nhà phân tích Brendan Sobie tại Trung tâm hàng không châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Mười năm trước, các hãng hàng không giá rẻ chỉ chiếm 1% thị phần thị trường châu Á. Năm năm sau, họ đã chiếm khoảng 9% thị phần và con số này dự kiến tăng lên 20% trong năm nay". Để đối phó với những thách thức này, một số hãng hàng không truyền thống tại châu Á đã đưa ra quyết định: "Nếu không thể đánh bại đối thủ, thì hãy tham gia trực tiếp vào 'cuộc chiến' dịch vụ hàng không giá rẻ". Mới đây, Singapore Airlines (SIA) quyết định triển khai dịch vụ hàng không giá rẻ đường dài và đặt mục tiêu trong vòng một năm tới sẽ khai trương một hãng hàng không giá rẻ do chính SIA sở hữu, song có hoạt động hoàn toàn độc lập. Một số chuyên gia đánh giá, động thái của SIA là "liều lĩnh" song là một "canh bạc cần thiết" do hãng hàng không này đang phải đối mặt với sức ép mở rộng thị phần.

Một máy bay của hàng hàng không giá rẻ AirAsia X. Ảnh: Internet

Tại Nhật Bản, All Nippon Airways có kế hoạch "bắt tay" với First Eastern Investment (có trụ sở ở Hồng Công) để thành lập một hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại "đất nước Mặt Trời mọc". Trong khi đó, Thai Airways (Thái Lan) cũng đang tìm cách thành lập liên doanh hàng không giá rẻ với Tiger Airways (Xinhgapo). Chủ tịch Thai Airways Ampon Kittiampon nói: "Trong môi trường kinh doanh hiện nay, chúng ta không thể tồn tại nếu không cạnh tranh trên mọi cấp độ".

Trong "cuộc chiến" hàng không giá rẻ, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất tất nhiên sẽ là hành khách đi máy bay, khi có thêm nhiều tuyến bay quốc tế đường dài mới, giá vé máy bay cũng rẻ hơn. Nhà phân tích Rigan Wong tại tập đoàn tài chính Citigroup Inc. dự đoán, các tuyến bay quốc tế đường dài mới sẽ tạo ra sự thay đổi "đột phá" của ngành hàng không toàn cầu. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là các hãng hàng không giá rẻ và truyền thống sẽ phải đưa ra những chiến lược hiệu quả gì để duy trì được lợi nhuận trước sự cạnh tranh gay gắt của đối thủ, nhất là trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao như hiện nay. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IAEA), tổng lợi nhuận của các hãng hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến chỉ đạt 3,7 tỷ USD trong năm nay, giảm so với mức tương ứng 7,6 tỷ USD của năm 2010.

Hiện lĩnh vực hàng không giá rẻ đang chứng kiến sự "thống trị" của AirAsia X (Malaixia), hãng hàng không giá rẻ được thành lập năm 2007 và có tuyến bay tới 14 thành phố trên thế giới, trong đó có Luân Đôn (Anh), Têhêran (Iran), Pari (Pháp), Xơun (Hàn Quốc), Tôkyô (Nhật Bản) và một số điểm đến tại Trung Quốc, Ấn Độ và Ôxtrâylia.

TKT

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN