Brasília: Thủ đô của Braxin - Thành phố của tương lai

Từ hư vô, sau hơn 3 năm khẩn trương xây dựng, Brasília ra mắt trước sự trầm trồ thán phục của toàn thế giới. Năm 1987, thành phố mang phong cách kiến trúc vị lai này được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa của nhân loại. Đây là lần đầu tiên - và cho đến nay là duy nhất - một công trình kiến trúc của thế kỷ 20 được vinh dự nhận danh hiệu trên.

Trong danh sách 18 di sản vật thể của Braxin được UNESCO công nhận, Brasília có những điểm rất đặc biệt mà không thủ đô nào khác trên trái đất có được.
Năm 1956, ngay sau khi nhậm chức, thực hiện ý tưởng được ghi trong Hiến pháp nhưng đã bị trì hoãn, Tổng thống Juscelino Kubitschek de Oliveira quyết định xây dựng một thủ đô mới, thủ đô thứ 3 của Braxin, đặt ở trung tâm đất nước nhằm thu hút người dân từ các thành phố đông đúc ở ven biển Đại Tây Dương, trong đó có thủ đô “tiền nhiệm” Río de Janeiro, tạo điều kiện cho vùng nội địa phát triển.

Kỳ quan kiến trúc

Triển khai dự án để đời này, vị Tổng thống theo khuynh hướng xã hội đã mời các kiến trúc sư giỏi nhất tham gia. Qua tuyển chọn, kiến trúc sư Lúcio Costa trở thành người quy hoạch chính, kiến trúc sư Oscar Niemayer - từng tham gia thiết kế trụ trở của LHQ tại New York - thiết kế phần lớn các tòa nhà công cộng, và ông Roberto Burle Marx đảm nhiệm thiết kế cảnh quan.

Để quy hoạch Brasília, các chuyên gia này đã áp dụng nguyên lý quy hoạch đô thị hiện đại của kiến trúc sư người Thụy Sỹ Le Corbusier đưa ra hồi thập niên 1920.

Thành phố mang phong cách kiến trúc vị lai này - biểu tượng của một Braxin hiện đại - được khởi công ngày 23/10/1956, và sau 41 tháng khẩn trương xây dựng, ngày 21/4/1960, đã được long trọng khánh thành với sự hiện diện của Juscelino Kubitschek. Đây là thủ đô đầu tiên trên thế giới được xây mới hoàn toàn trong thế kỷ 20.


Đại lộ trục trung tâm thủ đô Brasília.


Tọa lạc trên thảo nguyên Cerrado ở độ cao 1.200 mét so với mặt biển, Brasília đứng trong danh sách các thành phố được quy hoạch tốt nhất thế giới.
Mặt bằng thành phố được chia làm 2 trục giao nhau hình chữ thập. Nhìn từ trên cao, thành phố mang dáng dấp của một con chim đang xòe cánh bay, theo đó đầu chim là khu vực trụ sở của 3 ngành quyền lực tối cao (lập pháp, hành pháp, tư pháp).

Nổi bật trong những công trình kiến trúc tại Brasília là rụ sở Quốc hội, một tòa tháp đôi 28 tầng (khu vực văn phòng) và hai công trình hình mái vòm ở hai bên sườn (nơi hai viện tổ chức họp). Bên trong tòa nhà có hầu như tất cả các tiện nghi của một thành phố thu nhỏ, từ trạm phát thanh và truyền hình, báo chí, đến các quán ăn, quán rượu, rạp chiếu bóng, hiệu sách, các viện bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật và các phòng họp mọi kích cỡ. Trụ sở Quốc hội Braxin - do Oscar Niemayer thiết kế - từng được coi là 1 trong 10 tòa nhà đẹp nhất thế giới.

Ngoài ra, không thể không kể đến Cung điện Planalto (Dinh Tổng thống) với những hàng cột đặc biệt giống những thác nước nhân tạo đang tuôn chảy, tòa nhà Tòa án tối cao liên bang nổi bật với bức tượng nữ thần công lý Justitia mang đậm nét điêu khắc hiện đại, hay Nhà thờ Nossa Senhora Aparecida - một tác phẩm khác của kiến trúc sư Oscar Niemayer - được thiết kế hình vành hoa mận gai.

Tới Brasília, du khách cũng có dịp tham quan những công trình dựng lên để tri ân những người có đóng góp tích cực để thành phố được vinh danh trên toàn thế giới. Đó là cây cầu mang tên người cầm lái cho dự án khi xưa là Tổng thống Juscelino Kubitschek, được khánh thành năm 2002 và ngay lập tức trở thành một trong những biểu tượng kiến trúc của thủ đô; và bảo tàng mang tên kiến trúc sư trưởng Oscar Niemeyer hòa với tổng thể thành phố giống như chữ ký ở góc bản vẽ.

Thủ đô Brasília được thiết kế cho người đi xe hơi và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng gia tăng. Khi còn nghèo đói và lạc hậu, các nhà lãnh đạo Braxin đã tính đến việc người dân ai rồi cũng sẽ có xe hơi. Các dải đường dành cho người đi bộ được tách hẳn khỏi các đường ô tô chính, nhờ vậy mà nạn ùn tắc giao thông không xảy ra như tại một số thủ đô hiện đại khác trên thế giới.

Thách thức

Tại Brasília và những vùng phụ cận, các tòa nhà mới vẫn tiếp tục mọc lên theo qui hoạch đã được vạch sẵn từ nửa thế kỷ trước. Trong khi những công trình xây dựng có sẵn vẫn tiếp tục “hớp hồn” du khách bởi chúng đẹp như một bản vẽ kiến trúc.

Thế nhưng, cũng giống như các thành phố Saint Petersburg (Nga), Oasinhtơn (Mỹ), Kenbơrơ (Ôxtrâylia), hoặc Putrajaya (Malaixia), đều được xây dựng với mục đích rõ ràng là trở thành thủ đô hoặc trung tâm hành chính của quốc gia, Brasília - với diện tích chỉ 472 km2 - mau chóng trở thành hạt nhân của một đô thị lớn, phải đối mặt với tình trạng gia tăng dân số.

Theo thiết kế ban đầu, Brasília là thủ đô liên bang, trụ sở của các cơ quan đầu não của nhà nước. Thế nhưng, giờ đây thành phố đã có khoảng 30 đô thị vệ tinh.
Cũng như Brasília, các đô thị vệ tinh đều là “khu vực hành chính” của Đặc khu liên bang (Distrito Federal), một trong 27 bang của Braxin.

Hiện tại, Đặc khu liên bang rộng tới 5.789,16 km², với khoảng 2,6 triệu dân, với tỷ lệ tăng dân số cao bậc nhất tại Braxin (bình quân 2,82%/năm), điều đặt ra cho các nhà chức trách thách thức -không phải dễ thực hiện - là phải bảo đảm cho người dân đầy đủ tiện nghi, sinh hoạt thuận lợi và môi trường xanh, sạch, đẹp như quy hoạch ban đầu dành cho Brasília.

Quang Sơn (P/v TTXVN tại Áchentina)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN