"Bom tấn" mới của WikiLeaks chính thức được công bố

Đúng như những tuyên bố trước đó, trang mạng WikiLeaks ngày 29/11 (giờ Việt Nam) đã tiết lộ hàng trăm nghìn văn thư ngoại giao nội bộ của Mỹ cho các tờ báo lớn nhất thế giới. Các tài liệu mật này được người sáng lập trang web, ông Julian Assange, miêu tả là toàn bộ "lịch sử ngoại giao của Mỹ" trong đó đề cập đến "mọi vấn đề lớn" với những bí mật, sự thật "động trời".

Trang chủ của WikiLeaks bắt đầu tiết lộ nội dung các văn thư ngoại giao nhạy cảm của Mỹ.

Những tiết lộ "đáng lo ngại"

Hơn 250.000 tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đến tay nhiều tờ báo, tạp chí uy tín như The New York Times (Mỹ), Le Monde (Pháp), The Guardian (Anh), Der Spiegel (Đức), gây chấn động dư luận và khiến Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác phản đối quyết liệt. Thậm chí, Bộ trưởng Ngoại giao Italia Franco Frattini còn coi đây là vụ "11/9 trong lĩnh vực ngoại giao thế giới". Nhiều điểm nóng, nhiều vấn đề quan trọng, và nhiều lãnh đạo, nhà ngoại giao trên thế giới đã lần lượt xuất hiện trong các tài liệu nhạy cảm này.

Một trong những tiết lộ gây chú ý nhất đó là nỗ lực của Mỹ nhằm loại bỏ urani đã làm giàu ở mức độ cao ra khỏi lò phản ứng hạt nhân của Pakixtan trong nhiều năm vì lo ngại số urani này có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân "trái phép". Các quan chức Mỹ từ lâu đã lo ngại các phần tử cực đoan ở Pakixtan có thể đánh cắp vũ khí này trong khi Pakixtan khẳng định nước này đủ tự tin để đảm bảo an toàn cho vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, theo tài liệu bị rò rỉ, bề ngoài Mỹ đồng ý với Pakixtan rằng vũ khí hạt nhân của nước này đang ở nơi an toàn nhưng "trong lòng" lại tỏ ra nghi ngờ và nỗ lực tìm cách loại bỏ nó ra khỏi Pakixtan. Trong một bức điện gửi đi vào tháng 5/2009, Đại sứ Mỹ tại Ixlamabát (Pakixtan) thông báo rằng Pakixtan từ chối sắp xếp một chuyến thăm cho các chuyên gia kỹ thuật Mỹ đến nước này. Vị đại sứ này cho biết, theo lời một quan chức Pakixtan, nguyên nhân là nếu báo chí trong nước nghe được về việc dỡ bỏ nhiên liệu hạt nhân, họ sẽ cho rằng Mỹ lấy vũ khí hạt nhân của Pakixtan. Vũ khí hạt nhân của Pakixtan là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất đối với Mỹ trong quá trình cải thiện quan hệ với quốc gia Hồi giáo này trên mặt trận chống mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và lực lượng Taliban. Thông tin về hạt nhân của Pakixtan do tờ The New York Times đăng tải, tuy nhiên tờ báo này không nói rõ Mỹ tìm cách loại bỏ urani bằng cách nào.

Một bí mật khác cũng gây chú ý không kém trong các tài liệu mới công bố là việc các nước đồng minh của Mỹ ở Trung Đông đã gây áp lực và muốn Mỹ tấn công quân sự Iran để ngăn chặn chương trình hạt nhân của nước này. Trong một bức điện, Quốc vương Hamad bin Isa al Khalifah của Baranh nói với Tư lệnh quân đội Mỹ tại Trung Đông, tướng David Petraeus, rằng Mỹ phải kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran bằng bất kỳ phương tiện nào. Tương tự, Quốc vương Abdullah bin Abd al-Aziz của Arập Xêút cũng kêu gọi Mỹ "cắt đầu rắn" khi còn thời gian.

Liên quan đến vấn đề tù nhân ở Vịnh Guantanamo, WikiLeaks tiết lộ quá trình Mỹ thương lượng với chính phủ các nước về vấn đề nhận tù nhân ở nhà tù này. Theo thông tin từ tờ The New York Times, Mỹ buộc Xlôvênia phải nhận một tù nhân nếu tổng thống nước này muốn có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong khi đó hứa hẹn nhiều ưu đãi trị giá hàng triệu USD cho Kiribati nếu quốc đảo này chấp nhận một nhóm tù nhân.

Ngoài ra, trong một tài liệu ngoại giao khác, các quan chức Mỹ được yêu cầu theo dõi các quan chức Liên hợp quốc, trong đó có Tổng thư ký Ban Ki-moon để thu thập thông tin cơ bản về họ như mật khẩu Internet, số thẻ tín dụng… Một số tài liệu còn đề cập đến nhận xét về cách làm việc, tính cách nhiều nhà lãnh đạo thế giới dưới con mắt của các nhà ngoại giao Mỹ.

Hậu quả khó lường

Sau khi hơn 250.000 tài liệu ngoại giao nội bộ bị phơi bày, Nhà Trắng ngay lập tức lên án mạnh mẽ, cho rằng việc tiết lộ này đã đặt các nhà ngoại giao, nhân viên tình báo nước này vào chỗ nguy hiểm. Nhà Trắng lưu ý rằng, về bản chất, các báo cáo tình hình khu vực từ các nước gửi về Mỹ ở dạng "thô" và thường là thông tin chưa hoàn thiện. Do đó, nó không thể hiện chính sách ngoại giao của Mỹ và không phải lúc nào cũng góp phần định hình các quyết định chính sách cuối cùng. Theo Nhà Trắng, các tài liệu bị công bố có thể làm phương hại đến quan hệ của Mỹ với các chính phủ và lãnh đạo đối lập, ảnh hưởng sâu sắc tới chính sách đối ngoại của Mỹ cũng như đồng minh, đối tác của Mỹ trên thế giới.

Từ Ốttaoa, Ngoại trưởng Canađa Lawrence Cannon đã coi việc WikiLeaks dồn dập tiết lộ các thông tin ngoại giao nhạy cảm là "đáng chỉ trích", vô trách nhiệm và "có thể đe dọa an ninh quốc gia". Hiện Chính phủ Canađa đang dốc sức đối phó với nguy cơ WikiLeaks tiết lộ một loạt các công văn của Mỹ về Canađa vào ngày 1/12. Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng lên án vụ việc này và cho rằng thủ phạm là "những tên trộm trên mạng Internet".

Trong khi đó, Pakixtan ngày 29/11 chỉ trích kịch liệt hành động của WikiLeaks và coi đây là hành động "vô trách nhiệm" khi tiết lộ tài liệu nhạy cảm. Tại một cuộc họp nội các ở Rôma, Bộ trưởng Ngoại giao Italia Franco Frattini, cũng khẳng định tài liệu của WikiLeaks sẽ gây ra "những hậu quả tiêu cực" và "phá vỡ niềm tin giữa các quốc gia".

Thùy Dương (Tổng hợp)

Ai đứng sau vụ rò rỉ thông tin từ WikiLeaks?
Ai đứng sau vụ rò rỉ thông tin từ WikiLeaks?

Theo "Thời báo châu Á trực tuyến", Iran đổ lỗi cho Ixraen là thủ phạm đứng sau vụ tiết lộ các điện tín ngoại giao của Mỹ trên WikiLeaks. Một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra phỏng đoán tương tự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN