Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết tình trạng khẩn cấp y tế do Quốc hội liên bang nước này ban bố, hiện có thể chấm dứt vì cứ 5 người trưởng thành ở Đức thì có 4 người được tiêm chủng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Spahn cũng khẳng định việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp ở cấp quốc gia không có nghĩa là đại dịch được tuyên bố chấm dứt. Ông kêu gọi tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa trong mùa Thu và mùa Đông tới, đặc biệt là đeo khẩu trang trong các không gian hẹp như trên xe buýt, tàu, cửa hàng, siêu thị…
Việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế trên phạm vi toàn quốc sẽ giúp chính quyền các địa phương có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng dịch trên cơ sở tình hình dịch bệnh tại bang mình. Bộ trưởng Spahn cho biết ông hoàn toàn ủng hộ điều này. Theo ông, dù số ca mắc bệnh vẫn tăng, nhưng tình hình hiện nay đã khác nhiều so với giai đoạn đầu đại dịch, do đó cũng cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Vấn đề chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế hiện đang gây nhiều tranh cãi tại Đức do tỷ lệ lây nhiễm mới vẫn tăng cao. Theo số liệu của Viện Robert Koch (RKI) trong 24 giờ qua, Đức đã ghi nhận 6.573 ca mắc COVID-19, trong khi tỷ lệ nhiễm mới ở nước này tính trên 100.000 dân trong vòng 7 ngày qua là 110,1, tăng so với mức 74,4 của tuần trước. Cũng theo RKI, tính đến sáng 25/10, tổng số ca mắc bệnh tại Đức đã vượt mức 4,47 triệu, trong đó số ca không qua khỏi là 95.117 người và số ca khỏi bệnh là hơn 4,2 triệu người. RKI cho biết thêm trên thực tế, tổng số ca mắc bệnh có thể còn cao hơn vì nhiều ca mắc bệnh không được ghi nhận.
Hồi cuối tháng 8, Quốc hội Đức đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế thêm 3 tháng, cho tới cuối tháng 11 do tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, theo đó cho phép chính phủ liên bang và chính quyền các bang áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch trên phạm vi toàn quốc như yêu cầu đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc hoặc mua vaccine phòng dịch. Quy định này sẽ tự động hết hạn nếu không được Quốc hội gia hạn thêm.