Dù không bị khởi tố hình sự, nhưng bà Hillary Clinton vẫn đối mặt với một cuộc điều tra nội bộ và có thể là án phạt hành chính từ Bộ Ngoại giao Mỹ. |
Trong một thông báo ngày 7/7 (theo giờ địa phương), người phát ngôn Bộ trên, John Kirby cho biết, cuộc điều tra bê bối thư điện tử đã được khởi động lại mặc dù chỉ trước đó một ngày, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Hillary theo khuyến nghị của Cục điều tra Liên bang (FBI). Bộ Ngoại giao Mỹ đã ngừng đưa ra đánh giá của mình về vụ việc từ tháng 4 năm nay nhằm tránh can thiệp vào cuộc điều tra của FBI.
Ông Kirby không đưa ra thời điểm cụ thể dự kiến cuộc điều tra sẽ hoàn tất, nhưng cho biết, cựu ngoại trưởng Mỹ có thể đối mặt với các "án phạt hành chính". Lỗi nghiêm trọng nhất của bà là để mất chứng nhận an ninh (security clearance - một quy chế cho phép một cá nhân được phép tiếp cận thông tin mật hay vùng cấm), điều có thể gây trở ngại với bà Hillary trong việc bổ nhiệm một đội cố vấn an ninh quốc gia nếu bà đắc cử tổng thống.
Việc bà Hillary sử dụng email cá nhân cho việc công bị khui ra năm 2015 sau khi Quốc hội Mỹ do phe Cộng hòa lãnh đạo mở các cuộc điều tra về cách giải quyết của bà Hillary trong vụ tấn công năm 2012 nhằm vào phái đoàn ngoại giao của Mỹ tại Benghazi, Libya khiến Đại sứ Mỹ Christopher Stevens và ba người Mỹ khác thiệt mạng.
Hôm 5/7 vừa qua Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey khẳng định, FBI không tìm thấy chứng cứ về việc bà Hillary đã cố ý làm sai trong việc sử dụng email cá nhân cho việc công khi còn làm ngoại trưởng Mỹ, và do đó không kiến nghị Bộ Tư pháp Mỹ truy tố bà. Tuy vậy ông Comey cho biết, có tới 110 bức thư điện tử đã được bà Hillary nhận/gửi đi có chứa thông tin mật - điều mà trước đó, trong chiến dịch vận động tranh cử, bà luôn bác bỏ. FBI cũng kết luận, bà Hillary và các cộng sự đã "vô cùng thiếu cẩn trọng".