Bỏ truyền thống trung lập, Thụy Sĩ áp đặt trừng phạt Nga

Ngày 28/2, Thụy Sĩ đã có bước đi hiếm gặp và được đánh giá là thay đổi nguyên tắc trung lập khi tuyên bố áp đặt trừng phạt Nga liên quan tới chiến dịch quân sự hiện nay của Moskva ở Ukraine.

Chú thích ảnh
Thụy Sĩ trừng phạt tài chính Nga. Ảnh: The Star

Hãng tin RT, Reuters và trang mạng The Guardian cho biết Thụy Sĩ, quốc gia giữ vị thế trung lập trong suốt hai cuộc chiến tranh thế giới tới nay, đã quyết định thông qua các lệnh trừng phạt giống của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga.

Theo các nguồn tin trên, Tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Cassis ngày 28/2 (giờ địa phương) thông báo nước này sẽ làm theo tất cả các biện pháp trừng phạt mà EU vừa áp đặt đối với Moskva.

Phát biểu họp báo tại thủ đô Bern, Tổng thống Cassis cho biết Chính phủ Thụy Sĩ sẽ điều chỉnh các quy định để nước này không được sử dụng nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt do EU áp đặt. Ông Cassis nêu rõ: "Chúng tôi không thay đổi nguyên tắc trung lập, song trung lập không có nghĩa là làm ngơ".

Trong một tuyên bố, Chính phủ Thụy Sĩ khẳng định: "Thụy Sĩ sẽ phối hợp với EU thực thi các biện pháp trừng phạt này, chủ yếu là các biện pháp trừng phạt về hàng hóa và tài chính". Tuy nhiên, những biện pháp này cũng bao gồm việc đóng băng tài sản của các cá nhân và công ty của Nga.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Ueli Maurer nói rằng tài sản của những nhân vật nằm trong “danh sách đen” của Brussels, bao gồm Tổng thống Putin, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, đã "bị đóng băng ngay lập tức". Bộ trưởng Tư pháp Karin Keller-Sutter thông báo thêm Thụy Sĩ đồng thời đã cấm nhập cảnh đối với 5 nhà tài phiệt có quan hệ mật thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ngoài việc phong tỏa tài sản, Thụy Sĩ cũng sẽ đóng cửa không phận nước này với máy bay Nga và không cho phép những cá nhân có quan hệ thân cận với Tổng thống Putin nhập cảnh vào Thụy Sĩ. Bern sẽ gửi viện trợ tới Ba Lan để giúp đỡ những người tị nạn Ukraine lánh nạn.

Năm 2014 khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea, Thụy Sĩ đã từ chối áp trừng phạt Moskva. Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ tuyên bố các lệnh trừng phạt mới nêu trên sẽ có hiệu lực ngay lập tức.

Thụy Sĩ, trung tâm ngân hàng lớn nhất thế giới, là một “điểm đến” ưa thích của dòng tiền gửi của giới nhà giàu Nga. Reuters dẫn số liệu của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cho biết Nga có khoảng 11,3 tỷ USD tiền gửi tại các ngân hàng ở nước này năm 2020.

Chú thích ảnh
Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell trong cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 28/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, đã hoan nghênh động thái trên của Chính phủ Thụy Sĩ. Tuy nhiên, ông Borrel cũng cảnh báo hậu quả từ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

EU nên chuẩn bị tinh thần đối mặt với những tác động của các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga vì Moskva hiện được cho sẽ có các biện pháp đáp trả. Đại diện cấp cao Josep Borrell đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh EU đang áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan tới chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Theo Tân hoa xã, phát biểu họp báo sau cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng của các nước thành viên EU, ông Borrell nhận định cần phải nhìn nhận thực tế rằng các biện pháp trừng phạt sẽ gây ra "phản ứng dữ dội" và EU phải chuẩn bị sẵn sàng để "trả cái giá lớn hơn nhiều trong tương lai". Ông lưu ý vấn đề năng lượng sẽ không nằm ngoài cuộc xung đột giữa phương Tây và Nga bởi châu Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt và dầu của Moskva, do đó EU sẽ phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh sang năng lượng tái tạo.

Chú thích ảnh
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tại cuộc họp báo ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 28/2 khẳng định, nước Nga có đủ năng lực cần thiết để vượt qua những thiệt hại do các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt liên quan đến hành động quân sự của Moskva ở Ukraine.

Trước đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 26/2 cho biết, các lệnh trừng phạt chống Nga hiện nay có thể là lý do để Moskva xem xét lại quan hệ với tất cả các nước áp đặt trừng phạt.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội Vkontakte, ông Medvedev viết: "Các lệnh trừng phạt là lý do rõ ràng để xem xét lại toàn bộ quan hệ với những nước đã áp đặt trừng phạt và dừng đối thoại về sự ổn định chiến lược".

Ông cũng nhấn mạnh rằng các biện pháp hạn chế này sẽ không thay đổi bất cứ điều gì, kể cả quyết định của Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở vùng Donbass. Ông Medvedev khẳng định chiến dịch này sẽ được thực hiện đầy đủ cho đến khi đạt kết quả cuối cùng.

Theo ông Medvedev, phương Tây cũng đang đe dọa phong tỏa tiền của các công dân và công ty Nga ở nước ngoài, điều này sẽ chỉ dẫn đến một sự đáp trả tương ứng, cụ thể là phong tỏa tiền của người nước ngoài và công ty nước ngoài ở Nga.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
FIFA, UEFA cấm các CLB bóng đá và đội tuyển Nga tham dự mọi giải đấu, bao gồm cả World Cup 2022
FIFA, UEFA cấm các CLB bóng đá và đội tuyển Nga tham dự mọi giải đấu, bao gồm cả World Cup 2022

Ngày 28/2, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đã cấm mọi câu lạc bộ (CLB) bóng đá của Nga và các đội tuyển quốc gia nước này tham dự các giải đấu trực thuộc FIFA và Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN