Bộ trưởng Đức kêu gọi giảm phụ thuộc khí đốt Nga

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cảnh báo nền kinh tế số một châu Âu đang dần trở thành “con tin” trong tính toán của Nga, giữa lúc dự trữ khí đốt tại châu Âu xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm do khủng hoảng Ukraine leo thang.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Robert Habeck ngày 5/2 đã lên tiếng kêu gọi Đức giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga khi căng thẳng Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuyên bố được đưa ra tại thời điểm tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) từ Nga sang Đức và châu Âu qua đường ống đặt ngầm dưới biển Baltic vẫn chưa thể đi vào vận hành dù đã hoàn tất xây dựng.

“Chúng ta phải cải thiện khả năng sẵn sàng đối phó cho mùa đông sang năm. Khủng hoảng Ukraine tạo ra các cơ hội nhập khẩu khí đốt khác, đa dạng hóa nguồn cung, trong đó có cả các vấn đề thuộc hạ tầng. Chúng ta phải hành động để bảo vệ mình tốt hơn. Nếu không, Đức sẽ trở thành con tin của Nga”, ông Habeck nêu quan điểm trước báo giới.

Chính trị gia đại diện cho đảng Xanh ở Đức này cũng khẳng định tuyến đường ống Nord Stream 2 sẽ làm tăng mức độ phụ thuộc của Đức với khí đốt Nga và đây là tuyến cung ứng dễ bị tổn thương. Ông cũng lặp lại bình luận của một số giới chức Mỹ, châu Âu về việc Moskva sẽ phải trả mức giá rất đắt nếu can thiệp quân sự ở Ukraine.

Tuyến đường ống Nord Stream 2 sẽ tăng gấp đôi nguồn cung khí tự nhiên từ Nga sang Đức, điều mà phần đông chính giới Đức cho là cần thiết trong quá trình giảm dần sử dụng than đá và năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, dự án trị giá hơn 12 tỉ USD này đã trải qua nhiều trì hoãn và vấp phải chỉ trích từ Mỹ cũng như các đồng minh châu Âu ở phía đông như Ba Lan.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (DW)
Ukraine - ngã ba đường của cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu
Ukraine - ngã ba đường của cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu

Ukraine, theo tiếng Slavic có nghĩa là "vùng đất biên giới", từ lâu đã nằm ở ngã ba của các nền văn minh, hoạt động thương mại và cả xung đột quân sự. Trong bối cảnh căng thẳng với Nga đang lên cao, năng lượng là nguồn tài nguyên mới nhất được vũ khí hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN