Bộ Quốc phòng Ukraine thừa nhận tấn công cầu Crimea để 'phá vỡ' tuyến hậu cần Nga

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar vừa thừa nhận rằng chính quyền ở Kiev đã thực hiện cuộc tấn công cầu Crimea hồi mùa thu năm 2022.

Chú thích ảnh
Khói đen bốc lên ngùn ngụt từ đám cháy trên cầu Crimean nối đại lục Nga và bán đảo Crimea bắc qua eo biển Kerch, ở Crimea vào ngày 8/10/2022. Ảnh: Sputnik

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar bất ngờ thừa nhận rằng chính quyền ở Kiev đã thực hiện cuộc tấn công vào cầu Crimea hồi mùa thu năm 2022 nhằm phá hủy khả năng hậu cần của Nga.

“Đã 273 ngày kể từ khi chúng tôi giáng đòn đầu tiên vào cầu Crimea để làm gián đoạn hoạt động hậu cần của người Nga", bà Maliar viết trên Telegram ngày 8/7.

Chiếc xe tải chở bom nổ tung trên cây cầu dài 19 km nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar trên đất liền Nga vào ngày 8/10/2022 đã khiến 3 người thiệt mạng, khiến một phần của đoạn cầu bị sập xuống biển. Khi đó Kiev từ chối nhận trách nhiệm, trong khi các quan chức Ukraine tỏ ra vui mừng trước thông tin về vụ tấn công trong các bài đăng trên Twitter.

Cho đến nay, chính quyền Ukraine vẫn từ chối nhận trách nhiệm về vụ tấn công cây cầu dài 19 km - dài nhất châu Âu - nối bán đảo Crimea và vùng Krasnodar của Nga. Crimea đã sáp nhập với Nga vào tháng 3/2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý trong đó hơn 96% cử tri trên bán đảo bỏ phiếu ủng hộ. Cây cầu được khánh thành bởi Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 5/2018.

Vụ nổ trên đoạn đường dẫn của cầu Crimea vào ngày 8/10/2022 khiến hai nhịp cầu ô tô bị sập một phần xuống biển. Bảy thùng nhiên liệu của một đoàn tàu chở hàng trên đoạn đường sắt liền kề bốc cháy. Ba người đã thiệt mạng. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vụ đánh bom cầu Crimea là một cuộc tấn công khủng bố nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự.

Ngay sau vụ tấn công, nhà chức trách Nga đã công bố một loạt biện pháp khắc phục thiệt hại và đảm bảo ổn định giao thông giữa Crimea và vùng lãnh thổ Krasnodar. Ông Putin ký một sắc lệnh để tăng cường an ninh cho giao thông đi qua eo biển Kerch, cũng như cơ sở hạ tầng điện và năng lượng trong khu vực.

Phía Nga cáo buộc Lực lượng đặc nhiệm Ukraine đã ra lệnh, dàn dựng và thực hiện cuộc tấn công cầu Crimea.

Vào thời điểm đó, các quan chức Ukraine, bao gồm cả Tổng thống Volodymyr Zelensky, đã bóng gió về trách nhiệm của Kiev trong một loạt bài đăng trên mạng xã hội. Cố vấn tổng thống Mykhailo Podolyak đã cho rằng cuộc tấn công vào cây cầu chỉ là "khởi đầu" và "mọi thứ bất hợp pháp phải bị phá hủy", "mọi thứ bị đánh cắp phải được trả lại cho Ukraine".

Hai quan chức cấp cao Ukraine cũng nói với tờ New York Times rằng tình báo Ukraine đứng sau vụ tấn công cây cầu.

Một tuần sau vụ tấn công, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) tuyên bố rằng Tổng cục Tình báo Chính (MID) của Bộ Quốc phòng Ukraine đứng sau vụ nổ. FSB cũng nói rằng “thiết bị nổ được ngụy trang thành cuộn bằng màng polyetylen xây dựng và được vận chuyển từ cảng biển Odessa, Ukraine đến Ruse của Bulgaria vào đầu tháng 8”.

Theo FSB, việc kiểm soát việc vận chuyển hàng hóa dọc theo toàn bộ tuyến đường và liên lạc với những người tham gia kế hoạch đánh bom cầu Crimea đã được thực hiện bởi một nhân viên của Tổng cục Tình báo Ukraine.

Nga đã tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng tên lửa vào sâu trong lãnh thổ Ukraine sau vụ tấn công cây cầu sau khi xác nhận sự tham gia của lực lượng đặc biệt Ukraine. Các cuộc tấn công đó nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine và các cơ quan chỉ huy quân sự và thông tin liên lạc trên khắp đất nước.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT)
Tổng thống Ukraine đưa nhóm chỉ huy pháo đài Azovstal từ Thổ Nhĩ Kỳ cùng về nước
Tổng thống Ukraine đưa nhóm chỉ huy pháo đài Azovstal từ Thổ Nhĩ Kỳ cùng về nước

Nhóm 5 cựu chỉ huy lực lượng Ukraine cố thủ tại pháo đài thép Azovstal đã cùng Tổng thống Zelensky từ Thổ Nhĩ Kỳ trở về nước bất chấp sự phản đối từ Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN