Biểu tình rầm rộ trên khắp Ai Cập

Hàng triệu người Ai Cập ngày 26/7 đã tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ quân đội, trong khi hàng trăm nghìn người Hồi giáo cũng đổ xuống đường ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi.

Không khí tại thủ đô Cairo gợi nhớ lại cuộc biểu tình rầm rộ ngày 30/6 vừa qua làm sụp đổ chính quyền của ông Morsi khi hàng triệu người cùng đổ xuống đường biểu tình theo lời kêu gọi của người đứng đầu các lực lượng vũ trang Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi nhằm trao cho quân đội và cảnh sát nước này "sứ mệnh của nhân dân" để ngăn chặn "chủ nghĩa khủng bố và bạo lực".

Những người ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo và Tổng thống bị phế truất Morsi ở thủ đô Cairo, ngày 26/7/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Hàng trăm nghìn người đã tập trung tại Quảng trường Tahrir và Dinh tổng thống Ittihadia, cũng như trên cầu Kasr El-Nil và phố Maspero nằm gần đó, hô các khẩu hiệu ủng hộ quân đội và phản đối tổ chức Anh em Hồi giáo (MB).

Một số sĩ quan cảnh sát cấp cao cũng có mặt tại Quảng trường Tahrir và được những người biểu tình tung hô, cổ vũ nhiệt liệt. Đám đông thổi kèn, nhảy múa, vẫy quốc kỳ, giương cao hình ảnh của ông El-Sisi cũng như hình ảnh trăng lưỡi liềm và cây thánh giá như một biểu tượng của đoàn kết dân tộc. Máy bay trực thăng của quân đội và cảnh sát liên tục quần đảo trên các địa điểm tập trung người biểu tình và thả các tờ rơi kêu gọi người dân kiềm chế bạo lực, trong khi xe cảnh sát và xe bọc thép của quân đội được triển khai dày đặc tại nhiều địa điểm.

Trong khi đó, hàng trăm nghìn người Hồi giáo cũng tập trung tại khu vực Quảng trường Rabaa Al-Adawiya tại quận Nasr City ở phía Bắc Cairo - địa điểm tập trung của những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi kể từ ngày 28/6 - nhằm phản đối cuộc "đảo chính quân sự" và đòi phục chức cho nhà lãnh đạo này. Theo nhật báo "Al Ahram", đây là cuộc biểu tình "lớn chưa từng thấy" của phe Hồi giáo tuy nhiên vẫn hoàn toàn bị "áp đảo" trước sự biểu dương lực lượng rầm rộ của các lực lượng tự do và cánh tả ủng hộ quân đội.

Cùng ngày, hàng loạt cuộc biểu tình, tuần hành lớn của cả hai phe cũng diễn ra tại 21 trong số 27 tỉnh thành trên khắp cả nước với quy mô từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn người tham gia. Trong đó, lực lượng ủng hộ Tổng thống bị phế truất đã tổ chức các cuộc biểu dương lực lượng tại 8 địa phương, tập trung chủ yếu tại vùng Thượng Ai Cập.

Trước tình hình này, thông qua một kênh truyền hình địa phương, Tổng thống lâm thời Ai Cập Adli Mansour ngày 26/7 đã kêu gọi những người ủng hộ Tổng thống Morsi ngừng biểu tình và trở về nhà, đồng thời cam kết không truy tố pháp luật với lực lượng này.

Theo thống kê cập nhật của Bộ Y tế Ai Cập, đến 0 giờ ngày 27/7, các cuộc đụng độ lẻ tẻ giữa những người biểu tình ủng hộ và phản đối ông Morsi khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và 215 người khác bị thương. Tại Alexandria - thành phố lớn thứ hai của Ai Cập nằm trên bờ Địa Trung Hải, các cuộc ẩu đả giữa hai phe đối địch đã khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có một thiếu niên 14 tuổi, và hơn 100 người bị thương.

Đụng độ cũng nổ ra tại thành phố du lịch Luxor ở vùng Thượng Ai Cập và thành phố công nghiệp Mahalah, thủ phủ tỉnh Gharbiya ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile. Theo hãng thông tấn chính thức MENA của Ai Cập, các tay súng Hồi giáo cực đoan đã thực hiện hàng loạt vụ đánh bom và xả súng vào các trạm kiểm soát và đồn cảnh sát tại thị trấn Sheikh Zuwaid thuộc tỉnh Bắc Sinai bất ổn khiến một sĩ quan cảnh sát và một lính nghĩa vụ bị thương.


TTXVN/Tin tức
Liệu Tunisia có tiếp bước Ai Cập?
Liệu Tunisia có tiếp bước Ai Cập?

Tunisia, nơi bắt nguồn của "Mùa xuân Arập", từng được coi là có quá trình chuyển tiếp dân chủ thành công nhất tại khu vực này. Tuy nhiên, gần đây ở đất nước này bắt đầu xuất hiện nhưng dấu hiệu khá quan ngại. Mà đỉnh điểm là việc nghị sĩ Mohamed Brahmi đã bị sát hại ngày 25/7.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN