Biến tro bụi núi lửa Taal thành gạch để tái thiết hạ tầng

Thành phố Binan ở Philippines, vốn bị tro bụi núi lửa Taal phủ kín trong đợt phun trào vừa qua, đã biến nghịch cảnh thành cơ hội để giúp đỡ người dân vượt qua thảm họa thiên nhiên trên. 

Chú thích ảnh
Gạch đóng từ tro núi lửa Taal xếp bên ngoài một công ty ở Binan. Ảnh: Reuters

Thị trưởng Binan, ông Walfredo Dimaguila đã yêu cầu người dân thu dọn tro bụi bao phủ nhà cửa, ô tô và đường phố, sau đó dồn vào bao tải gửi đến một công ty thuộc sở hữu nhà nước tại địa phương để sản xuất thành gạch xây nhà. 

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), sau khi trộn lẫn tro bụi núi lửa Taal với nhựa, họ đã thu được một loại gạch rất bền chắc. Cơ sở này có thể sản xuất lên tới 5.000 viên gạch mỗi ngày.

Gạch sẽ được sử dụng để xây dựng lại các trường học bị thiệt hại do đợt “thức giấc” của ngọn núi lửa Taal – một trong những núi lửa mạnh nhất của Philippines – hồi cuối tuần trước.

Nhiều tòa nhà ở thị trấn ven hồ gần núi Taal, cách thủ đô Manila khoảng 70km, đã bị phá hủy bởi lượng tro bụi dày đặc làm sập mái nhà và đổ cây. Hàng chục ngàn người đã phải rời nhà cửa đi sơ tán. Một số người còn không dám chắc mình còn nhà để quay về hay không. 

“Khi Batangas phục hồi, chúng tôi sẽ mang gạch đến xây lại trường học, hội trường cộng đồng, do đó chúng tôi có thể trả lại thứ mà Taal đem đến”, ông Dimaguila nhắc đến địa phương nơi núi Taal tọa lạc.

Xem video tro núi lửa phủ kín đồng ruộng, nông trại ở Philippines. Nguồn: SCMP

Trước đó, ngày 12/1, núi lửa Taal ở tỉnh Batangas, cách thủ đô Manila khoảng 90 km về phía Nam, đã “thức giấc” khi phun hơi nước và tro bụi cao 1.000 mét vào không trung. Nhà chức trách cũng ghi nhận một số vụ động đất có độ lớn từ 1 đến 3 khiến một số làng gần núi lửa rung lắc nhẹ.

Taal là núi lửa hoạt động mạnh thứ hai tại Philippines với 33 vụ phun trào trong lịch sử. Lần phun trào gần đây nhất của ngọn núi này là năm 1977. Theo Viện Nghiên cứu núi lửa và động đất Philippines (Phivolcs), núi lửa Taal có hoạt động địa chất ở mức vừa đến mức cao kể từ ngày 28/3/2019. Ngọn núi lửa nhỏ nhất thế giới này còn là một địa điểm du lịch, thu hút nhiều du khách nhờ cảnh đẹp.

Xuân Chi/Báo Tin tức
Các khu vực khô cằn trở nên ẩm ướt hơn sau khi núi lửa phun trào
Các khu vực khô cằn trở nên ẩm ướt hơn sau khi núi lửa phun trào

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc mới đây cho biết các khu vực khô cằn có xu hướng trở nên ẩm ướt hơn sau các vụ núi lửa phun trào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN