Biến đổi khí hậu: Tây Ban Nha ghi nhận tháng 1 nóng nhất trong lịch sử

Ngày 7/2, cơ quan thời tiết quốc gia Aemet của Tây Ban Nha cho biết, nước này đã trải qua tháng 1 nóng nhất kể từ khi các số liệu bắt đầu được thống kê vào năm 1961. Theo đó, nhiệt độ tại một số khu vực trong tháng trước lên tới gần 30 độ C. 

Chú thích ảnh
Nắng nóng gay gắt tại Madrid, Tây Ban Nha, ngày 26/6/2023. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Gần 400 trạm khí tượng, tương đương gần một nửa số trạm khí tượng trên cả nước Tây Ban Nha, ghi nhận nhiệt độ ở mức bằng hoặc cao hơn 20 độ C trong tháng trước. Riêng khu vực phía Đông Valencia ghi nhận nhiệt độ lên tới 29,5 độ C, phía Đông Nam Murcia - 28,5 độ C và phía Nam Malaga - 27,8 độ C.

Đây là những mức nhiệt thường thấy vào tháng 6 hàng năm tại Tây Ban Nha, do đó người dân đã đổ xô đến các bãi biển và quán cà phê ngoài trời thay vì bắt đầu mùa trượt tuyết như thường lệ. Thời tiết trái mùa như vậy càng làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán kéo dài nhiều năm ở khu vực phía Đông Bắc Catalonia và phía Nam Andalusia. Hồi tuần trước, chính quyền vùng Catalonia đã tuyên bố tình trạng hạn hán khẩn cấp đối với thành phố lớn thứ hai của Tây Ban Nha là Barcelona và phần lớn khu vực xung quanh, theo đó cho phép áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng nước nghiêm ngặt hơn sau 3 năm lượng mưa không đáng kể.

Các biện pháp hạn chế sử dụng nước được áp đặt sau khi mực nước tại các hồ chứa ở khu vực Địa Trung Hải giảm xuống dưới 16% sức chứa tối đa, mức quy định mà chính quyền khu vực đặt ra để áp dụng một loạt các biện pháp tiết kiệm nước mới có thể ảnh hưởng đến khoảng 6 triệu người. Các biện pháp tiết kiệm nước gồm cấm sử dụng nước ngọt cho bể bơi với một số trường hợp ngoại lệ được sử dụng trong thể thao, chỉ được dùng nước đã qua sử dụng để rửa ô tô và tưới cây bằng nước ngầm. Các ngành nghề phải cắt giảm 25% lượng nước sử dụng so với 15% trước đó. 

Catalonia đang đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất từ trước đến nay với lượng mưa thấp hơn mức trung bình của khu vực trong 3 năm qua. Đợt hạn hán này đã kéo dài hơn gấp đôi thời gian của đợt khô hạn hồi năm 2008. Andalusia cũng đang gặp nhiều khó khăn do hạn hán nghiêm trọng, chính quyền khu vực cảnh báo nếu không đủ mưa, các thành phố Seville và Malaga sẽ phải hạn chế sử dụng nước vào mùa Hè này. Cả Catalonia và Andalusia, hai vùng đông dân nhất của Tây Ban Nha, có thể phải nhập khẩu nước ngọt nếu cần thiết. 

Bộ trưởng Nông nghiệp Luis Planas cho rằng nguyên nhân khiến thời tiết bất thường tại Tây Ban Nha là do biến đổi khí hậu. Trước đó, Tây Ban Nha đã trải qua năm 2022 nóng nhất trong lịch sử với nhiệt độ trung bình năm gần 15,5 độ C, lần đầu tiên nhiệt độ trung bình năm vượt quá 15 độ C. Theo giới chuyên gia, biến đổi khí hậu do hoạt động của con người gây ra đang làm tăng cường độ và tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, hạn hán và cháy rừng.

Trần Quyên (TTXVN)
2023 gần như chắc chắn là năm nóng nhất trong 125.000 năm
2023 gần như chắc chắn là năm nóng nhất trong 125.000 năm

Các nhà khoa học Liên minh châu Âu (EU) ngày 8/11 đánh giá rằng 2023 "gần như chắc chắn" là năm nóng nhất trong 125.000 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN