Bên trong nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên thế giới của Nga

Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới được Nga thiết kế và xây dựng đã bắt đầu khởi hành chuyến đi tới ngôi nhà mới ở Bắc Cực.

Chú thích ảnh
Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới đi vào hoạt động. Ảnh: RT

Theo đài RT, trong lễ hạ thủy hôm 23/8, con tàu đặc biệt với tên gọi Akademik Lomonosov sẽ xuất phát từ thành phố Murmansk (Nga), di chuyển hàng nghìn kilomet tới cảng Pevek thuộc khu vực hẻo lánh Chukotka bờ biển Bắc Cực.

Hành trình này dự kiến kéo dài đến cuối tháng 9 tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và lượng băng trên lộ trình. “Chưa từng có bất kỳ nhà máy nào giống con tàu này”, ông Dmitry Alekseenko - Phó Giám đốc Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Nhà nước Nga (Rosatom) – cho biết.

Chukotka là một trong những khu vực hẻo lánh nhất nước Nga. Nơi đây có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, cản trở việc xây dựng các công trình lớn trong khi khu vực cần thay thế những cơ sở hạ tầng năng lượng lâu năm.

Chú thích ảnh
Trung tâm điều khiển trên nhà máy nổi. Ảnh cắt từ video

Khi đến thị trấn Pevek, nơi có dân số khoảng 5.000 người, lò phản ứng mới sẽ hoạt động thay cho một nhà máy hạt nhân của địa phương và một nhà máy nhiệt điện đã bị đóng cửa. Dự kiến Akademik Lomonosov sẽ đi vào hoạt động trước cuối năm 2019, chủ yếu phục vụ các giàn khoan dầu ở khu vực này trong bối cảnh Nga đang mở rộng việc khai thác hydrocarbon ở Bắc Cực.

“Dự án này được tạo ra xuất phát từ nguyên nhân có nhiều vùng trong đất nước của chúng ta rất khó trong tiếp cận hoặc xây dựng công trình theo cách truyền thống. Rất khó xây bất kỳ công trình nào tại đây, vì vậy, lò phản ứng kiểu này có thể nhanh chóng di chuyển tới các địa điểm cần và cung cấp điện cho người dân và cơ sở công nghiệp”, ông Alekseenko giải thích.

Chú thích ảnh

Nhà máy điện hạt nhân Akademik Lomonosov là một thiết bị phát điện độc lập có chiều dài 140m, chiều rộng 30m và cao 10m. Trọng tải rẽ nước là 21,5 tấn với thủy thủ đoàn 70 người. Nhà máy này mang theo hai lò phản ứng KLT-40S, có khả năng sản xuất tới 70 Megawatt điện và 50 gigacalories năng lượng nhiệt/giờ. Các lò phản ứng là phiên bản nâng cấp từ lò phản ứng KLT-40M được sử dụng trong các tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Taymyr. Một lò phản ứng có thể sản xuất đủ điện và nhiệt đáp ứng nhu cầu cho một thành phố với dân số 100.000 người.

Tuổi thọ hoạt động trung bình của nhà máy điện hạt nhân nổi là 40 năm và có thể kéo dài đến 50 năm.
Sau khi hết thời hạn hoạt động, thiết bị có thể được mang đi để thay thế và bảo trì lò phản ứng mà không để lại bất kỳ vật liệu nguy hiểm nào cho Bắc Cực. Ngoài việc cung cấp năng lượng điện, Nga có kế hoạch cho các quốc gia khác thuê thiết bị nếu có nhu cầu sản xuất điện hoặc khử mặn nước, vì nhà máy nổi này có khả năng khử muối với công suất 240.000 mét khối/ngày.

Khám phá bên trong nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới (nguồn: RT):

Công tác thử nghiệm toàn diện nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov được bắt đầu từ cuối tháng 11/2018. Nhiệm vụ chính của hoạt động công nghệ này là đảm bảo rằng khối nổi hoàn toàn sẵn sàng để đưa vào vận hành ở mức công nghiệp.

Akademik Lomonosov dự kiến sẽ cung cấp đủ điện năng cho khoảng 200.000 người, giúp tiết kiệm 200.000 tấn than và 100.000 tấn nhiên liệu mỗi năm. 

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Nga hạ thủy nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên ở Bắc Cực
Nga hạ thủy nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên ở Bắc Cực

Ngày 23/8, Nga đã hạ thủy nhà máy điện hạt nhân với thiết kế nổi đầu tiên trên thế giới và bắt đầu hành trình dài khắp Bắc Cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN