Bầu cử Pháp: Tập hợp và tìm kiếm sự khác biệt

“Cuộc đấu mít tinh” là ngôn từ diễn tả rõ nhất những gì đang diễn ra trong cuộc đua tranh cử tổng thống tại Pháp giữa hai ứng cử viên hàng đầu là đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy thuộc đảng cánh hữu Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) và đối thủ chính François Hollande thuộc đảng cánh tả Xã hội (PS), khi chỉ còn một tuần trước thời điểm bầu cử tổng thống vòng một.

Trong ngày 15/4, cả ông Sarkozy và ông Hollande đều có các cuộc mít tinh rầm rộ trong bầu không khí không khác gì những lễ hội lớn nhằm tạo khí thế phấn chấn cho giới cử tri ủng hộ và tạo đà cho cuộc bầu cử vòng một diễn ra vào ngày 22/4 tới. Tổng thống-ứng cử viên Sarkozy cùng êkíp chính phủ cầm quyền chọn Quảng trường lớn Concorde ở trung tâm thủ đô Pari làm địa điểm tổ chức cuộc mít tinh lớn trước thềm bầu cử vòng một với hy vọng lặp lại kịch bản năm 2007. Ông Sarkozy từng tổ chức ăn mừng chiến thắng tại đây sau khi đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử tổng thống cách đây 5 năm. Hàng chục chuyến tàu đặc biệt và gần 700 chuyến xe buýt đã được huy động để chở cử tri ủng hộ ông Sarkozy đến địa điểm mít tinh.


Đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy và đối thủ François Hollande thuộc đảng cánh tả Xã hội. Ảnh: Internet.



Trước khoảng 100.000 người ủng hộ, ông Sarkozy đã có bài diễn văn đầy tự tin và hùng biện kéo dài khoảng 30 phút. Sau khi tuyên bố không chấp nhận một nước Pháp theo chủ nghĩa quân bình, đa văn hóa, không để cho bất kỳ thế lực nào hủy hoại các thể chế nền tảng của nước Pháp, ông kêu gọi bảo vệ các giá trị của nước Pháp, đề cập nhiều hơn đến các giá trị xã hội, điều thường không thấy trong các bài diễn văn trước đây của ông. Ông Sarkozy cũng kêu gọi một phần đông các cử tri chưa bày tỏ quan điểm đi bỏ phiếu nhằm đảo ngược kết quả thăm dò dư luận đang nghiêng về phía ông Hollande trong cả hai vòng bầu cử. Ông cam kết nếu tái đắc cử sẽ phấn đấu vì một nước Pháp của những sự lựa chọn tiến bộ, tự do, cởi mở, hội nhập, biết quý trọng tài năng và tăng trưởng kinh tế. Ông cho biết sẽ kêu gọi tiến hành trưng cầu ý dân về các kế hoạch cải cách mà ông đang theo đuổi nếu hệ thống chính trị ngăn cản các kế hoạch này.

Cách quảng trường Concorde vài km, tại lâu đài Vincennes lịch sử, ứng cử viên Hollande và êkíp lãnh đạo PS cũng tổ chức một cuộc mít tinh với qui mô và ấn tượng tương tự, nhưng phần đông người tham gia là lớp trẻ. Trong bài phát biểu sâu sắc song không kém khí thế hùng hồn, ông Hollande cam kết nếu đắc cử sẽ là tổng thống của sự công bằng. Ông nhấn mạnh chiến thắng trong bầu cử vòng một sẽ là chiến thắng trong kỳ bầu cử vòng hai, dự kiến vào ngày 6 tháng sau, và đó là chiến thắng của nước Pháp, của nền cộng hòa. Ông Hollande cũng chia sẻ với tầng lớp cử tri ủng hộ những điều gan ruột như chia sẻ ước mơ và tin tưởng ước mơ sẽ thành hiện thực. Đề cập những vấn đề liên quan đến chính sách đối nội và đối ngoại, ông Hollande cho rằng ông có trách nhiệm đưa nước Pháp sang trang mới, xác định con đường phát triển cho một nước Pháp bình đẳng, với những ưu tiên lớn nhất dành cho trường học và giáo dục.

Trong bối cảnh thời điểm bầu cử vòng một đang đến gần, ứng cử viên PS Hollande không đưa ra thêm những ý tưởng mới, mà muốn bảo vệ tất cả những cam kết đã đưa ra trước đó, kêu gọi cử tri "bỏ phiếu hữu ích" để ủng hộ khát khao thay đổi và tạo dựng lòng tin. Từ ba tuần nay, ứng cử viên Hollande đã tăng cường các cuộc mít tinh, gặp gỡ ngoài trời, thường ở các thành phố hạng trung nhằm tập hợp lực lượng, đồng thời tìm cách thay đổi hình thức tranh cử. Những cuộc tập hợp chính trị tại các quảng trường ngoài trời là thay đổi rõ ràng, trái với các cuộc gặp gỡ, mít tinh trước đây của ông Hollande thường được tổ chức trong các phòng họp hay cung hội nghị ở các thành phố. Chương trình vận động tranh cử được thay đổi đa dạng từ các bài diễn văn đến phong cách diễn đạt. Dường như ông Hollande đang chú ý tới hình ảnh của một ứng cử viên tổng thống gần dân, thân thiện với phong cách tiếp xúc, nói chuyện cởi mở, hài hước.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy giữa hai ứng cử viên hàng đầu là ông Sarkozy và ông Hollande, khoảng cách biệt trong vòng một là không đáng kể và khả năng ai là người về đầu vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, lợi thế chiến thắng trong vòng hai cho đến nay vẫn nghiêng về phía ông Hollande với khoảng cách tương đối an toàn. Cả hai ứng cử viên đều kêu gọi cử tri Pháp tham gia bỏ phiếu đông đảo trong ngày bầu cử.

TTXVN/Tin tức
Bầu cử Pháp: Ê kíp của Sarkozy bi quan
Bầu cử Pháp: Ê kíp của Sarkozy bi quan

Dù không nói ra, nhưng trong ê kíp tranh cử của Sarkozy đã có người nghĩ rằng ông sẽ không thể chiến thắng. Báo Le Figaro thậm chí còn tiết lộ đã có "rất nhiều cuộc nói chuyện trong chính phủ xoay quanh chủ đề làm gì sau thất bại" của Sarkozy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN