Bất ổn nghiêm trọng ở Libi

Tình trạng mất ổn định tại Libi đang diễn biến ngày một nghiêm trọng khi làn sóng biểu tình dâng cao và số người thiệt mạng ngày càng tăng.

Kênh truyền hình Al-Arabiya dẫn lời các nhân chứng cho biết, những cuộc đụng độ ở thủ đô Tripôli đã làm 160 người thiệt mạng. Theo các hãng tin nước ngoài, người biểu tình đã kiểm soát nhiều thành phố của Libi, chủ yếu là các thành phố miền Đông, trong đó có Bengadi, thành phố lớn thứ hai Libi, và Sirte, thành phố quê hương của Tổng thống Moamer Kadhafi.


Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đã phá hỏng các đường băng tại sân bay Benghazi, khiến các chuyến bay dân sự không thể cất cánh hay hạ cánh tại đây.

Biểu tình phản đối chính phủ ngày một lan rộng ở Libi. Ảnh: Internet


Các nguồn tin cho biết, chính phủ Libi đã thực hiện các biện pháp mạnh. Tại thủ đô Tripôli, lực lượng an ninh đã ném lựu đạn vào người biểu tình. Kênh truyền hình Al Jazeera dẫn một số nguồn tin người biểu tình nói rằng máy bay quân sự ngày 21/2 đã tấn công người biểu tình ở thủ đô Tripôli khi họ đang tiến đến một căn cứ quân sự.


Tuy nhiên, ông Seif al-Islam đã bác bỏ cáo buộc trên và khẳng định lực lượng vũ trang Libi chỉ ném bom những kho vũ khí nằm cách xa các khu vực dân cư. Con trai Tổng thống Kadhafi cũng cảnh báo quân đội sẽ thẳng tay trấn áp để ngăn chặn tình hình diễn biến nghiêm trọng.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia ngày 22/2, Tổng thống Kadhafi đã bác bỏ thông tin ông đã chạy sang Vênêxuêla, và khẳng định ông vẫn ở thủ đô Tripôli. Ngoại trưởng Vênêxuêla cũng xác nhận ông Kadhafi vẫn đang ở Tripôli.

Chính phủ Libi cùng ngày tuyên bố sẽ tiến hành "cải cách lịch sử", đồng thời sẽ thành lập một ủy ban để điều tra nguyên nhân thiệt mạng của nhiều người biểu tình.

Trước tình hình nghiêm trọng tại Libi, nhiều nước như Italia, Pháp, Nga, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Ucraina,... đã lên kế hoạch sơ tán công dân khỏi Libi.

Cộng đồng quốc tế cũng hết sức quan ngại về tình hình Libi. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và Liên đoàn Arập (AL) đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào cuối ngày 22/2 để thảo luận về tình hình Libi.


Trong khi đó, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Navi Pillay ngày 22/2 đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về hành vi trấn áp của các lực lượng an ninh Libi đối với người biểu tình. Cùng ngày, Tổng Thư ký Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) Ekmeleddin Ihsanoglu đã lên án sự đàn áp các cuộc biểu tình ở Libi và cho rằng giới chức Libi cần đáp ứng các yêu cầu của người biểu tình thông qua "các biện pháp hòa bình và đối thoại nghiêm túc". Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng cần chấm dứt tình trạng đổ máu không thể chấp nhận được ở Libi hiện nay.


Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton, kêu gọi chấm dứt sử dụng bạo lực chống người biểu tình. Phát biểu với báo giới, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc bày tỏ, Trung Quốc hi vọng Libi có thể khôi phục ổn định xã hội và trật tự chính trị càng sớm càng tốt. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano hy vọng chính phủ Libi và những người biểu tình sẽ giải quyết tình hình hiện nay bằng phương pháp hòa bình.

Tình trạng bất ổn tại Libi - nước sản xuất dầu lớn thứ 3 ở châu Phi và là thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) - đã tác động tiêu cực đến các thị trường tài chính và hàng hóa của thế giới.


Phiên 22/2, giá dầu ở thị trường New York (Mỹ) đã có lúc tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 năm rưỡi qua: Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 4 tăng lên gần 94 USD/thùng và giá dầu Brent giao cùng kỳ tăng lên hơn 108 USD/thùng. Các thị trường chứng khoán tại Mỹ, châu Âu và châu Á phiên 22/2 cũng giảm đáng kể do những lo ngại về tình hình Libi.

Minh Dương (tổng hợp)

Theo dõi sát tình hình lao động Việt Nam đang làm việc ở Libi

* Ngày 22/2, trả lời câu hỏi phóng viên liên quan đến phản ứng của Việt Nam trước tình hình hiện nay tại Libi và việc đảm bảo an toàn cho công dân Việt Nam tại nước này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói: "Việt Nam quan ngại trước tình hình hiện nay tại Libi và mong muốn tình hình chính trị ở Libi sớm ổn định. Hiện nay có khoảng 10.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Libi. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Libi theo dõi sát tình hình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có biện pháp kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và kiều dân Việt Nam tại Libi".

* Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) vừa có Công văn số 211/QLLĐNN- QLLĐ gửi các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Libi. Theo đó, Cục yêu cầu các doanh nghiệp này chỉ đạo các cán bộ đại diện tại Libi theo dõi sát tình hình, nếu có ảnh hưởng đến tính mạng, công việc, thu nhập của lao động Việt Nam đang làm việc ở nước này, phải báo cáo kịp thời cho Ban Quản lý lao động, Đại sứ Việt Nam tại Libi để được hướng dẫn và hỗ trợ xử lý. Đồng thời, khuyến cáo người lao động tránh những địa điểm có biểu tình, tránh tụ tập nơi đông người. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2010, tổng số lao động Việt Nam sang Libi làm việc là 5.242 người, nâng tổng số lao động ta đang làm việc tại Libi lên 9.840 người. Lao động Việt Nam làm việc tại Libi vẫn tập trung chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng.

TTN - Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN