Bạo lực tiếp tục leo thang tại Xyri

Tình hình tại Xyri vẫn diễn biến phức tạp, bạo lực leo thang trong lúc nước ngoài tiếp tục can thiệp vào nội bộ của nước này.


Ngày 4/3, giao tranh giữa các lực lượng chính phủ với phe đối lập ở Xyri vẫn tiếp diễn. Sau điểm nóng Homs đến lượt thành phố Rastan gần đó hứng chịu những đợt pháo kích. Các nhà hoạt động cho biết có 11 người thiệt mạng trên khắp Xyri, trong đó 7 người ở Rastan khi một ngôi nhà bị trúng rốckét. Trong cùng ngày, đụng độ quyết liệt giữa hai phe cũng xảy ra gần biên giới Gioócđani.


Gioócđani cho biết đang xây một trại tị nạn ở miền bắc nước này cho người tị nạn Xyri. Số người Xyri chạy sang nước láng giềng này kể từ tháng 3/2011 đã vượt 73.000 người.




Một tòa nhà bị phá hủy trong vụ đánh bom liều chết ở thành phố Daraa, ngày 3/3. Ảnh: AFP/TTXVN



Hiện đã xuất hiện thêm những kêu gọi vũ trang cho phe nổi dậy ở Xyri. Ngày 4/3, Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham, người được coi là có nhiều ảnh hưởng đối với chính sách đối ngoại của đảng Cộng hòa, cho rằng phiến quân ở Xyri cần được vũ trang thông qua Liên đoàn Arập (AL) cũng như cần nhanh chóng thiết lập các vùng cấm bay và cấm di chuyển để hạn chế hoạt động của các lực lượng không quân và bộ binh Xyri.


Phát biểu trong chương trình "Fox News Sunday", ông Graham tuyên bố cần gia tăng sức ép quốc tế và giúp đỡ về kinh tế lẫn quân sự cho phe nổi dậy. Ông Graham thậm chí còn cho rằng cộng đồng quốc tế nên ủng hộ phiến quân ở Xyri bằng phương pháp tương tự như NATO đã dùng để hỗ trợ phe chống đối ở Libi lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Kaddafi. Song Thượng nghị sĩ Graham không nói chi tiết về vai trò của Mỹ.


Thượng nghị sĩ này cùng Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, Richard Blumenthal cũng đang thúc đẩy một nghị quyết ở Thượng viện Mỹ kêu gọi Liên hợp quốc tuyên bố Tổng thống Xyri, Bashar al-Assad là một "tội phạm chiến tranh".


Tại hội nghị "Những người bạn của Xyri" diễn ra gần đây, Ngoại trưởng Arập Xêút cho rằng vũ trang cho phe nổi dậy ở Xyri là một "ý tưởng tuyệt vời". Còn Ngoại trưởng Cata đề xuất thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình để "mở các hành lang nhân đạo cung cấp sự hỗ trợ an ninh cho người dân Xyri". Còn tại Pari (Pháp) hồi tuần trước, Hội đồng Dân tộc Xyri (SNC), nhóm đối lập chính lưu vong, tuyên bố rằng có khả năng mở một đại diện quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy trong nước.


Tuy nhiên, nhiều nhân vật đối lập hàng đầu ở Xyri lại đang phản đối khả năng nước ngoài vũ trang cho nhóm nổi dậy. Họ nhấn mạnh rằng làm như vậy sẽ dẫn đến một cuộc nội chiến "toàn diện". Hassan Abdul-Azim, người đứng đầu Hội đồng Phối hợp quốc gia (NCB), tuyên bố phản đối ý tưởng này vì hậu quả khó lường, chỉ gây thêm đổ máu. Theo ông Azim, vẫn cần theo đuổi một số phương pháp dân chủ hòa bình để giải quyết cuộc khủng hoảng Xyri hơn là quân sự hóa cuộc nổi dậy.


Một nhân vật đối lập khác là Luai Hussain, đứng đầu đảng Xây dựng nhà nước Xyri (BSS), ngày 4/3 bày tỏ sự giận dữ với đề xuất dùng vũ trang để giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài một năm qua: "Phương Tây vẫn chưa thể hiện một đòi hỏi trực tiếp về can thiệp quân sự vào Xyri nhưng một số nhóm đối lập lưu vong lại đang cố thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng can thiệp quân sự là lối thoát duy nhất". Nhân vật này chỉ trích mạnh mẽ phe đối lập lưu vong mà cụ thể là SNC, nói rằng "những kẻ kêu gọi vũ trang cho phiến quân không có quyền đặt điều kiện cho đối thoại hay đàm phán".


Trong khi đó, hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời một nhân vật thuộc "Quân đội Xyri tự do" ở thành phố điểm nóng Homs, miền Trung Xyri, nói rằng lực lượng chống đối này "đã nhận được những hỗ trợ quân sự từ Pháp và Mỹ".


TTXVN/Tin Tức

Trung Quốc đưa ra tuyên bố sáu điểm về vấn đề Xyri

Ngày 4/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra tuyên bố sáu điểm về vấn đề Xyri, trong đó tái khẳng định cuộc khủng hoảng tại Xyri hiện nay cần được giải quyết thông qua đối thoại hòa bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN