Báo động tình trạng bùng nổ dân cư đô thị ở châu Á

Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đến giữa năm 2022, lần đầu tiên tại châu Á, số người sống ở thành phố sẽ vượt số người sống ở nông thôn, do làn sóng người dân nông thôn đổ về thành phố tìm kiếm việc làm và cuộc sống tốt hơn. Khoảng 1,1 tỷ người châu Á sẽ di cư từ nông thôn ra thành phố trong vòng chưa đầy 20 năm tới, tương đương với 137.000 người/ngày.

Thủ đô Đắcca của Bănglađét là một trong nhiều thành phố bị quá tải ở châu Á. Ảnh: Internet


Còn Viện nghiên cứu McKinsey Global (MGI) cho rằng, mỗi năm Ấn Độ cần xây dựng một thành phố lớn như Chicago của Mỹ để “đón tiếp” số dân di cư từ nông thôn ra thành thị. Tại Trung Quốc, 100 thành phố sẽ lọt vào danh sách 600 trung tâm đô thị hàng đầu thế giới (tạo ra khoảng 60% GDP toàn cầu) trong 15 năm tới.

Cùng với dự báo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), công dân thứ 7 tỷ của thế giới có thể chào đời vào ngày 31/10/2011, những con số trên đã cho thấy tình trạng đáng báo động về nạn di dân từ nông thôn ra thành thị. Như vậy là, từ năm 1999 (khi công dân thứ 6 tỷ của thế giới chào đời tại Sarajevo của Bôxnia ngày 12/10/1999) đến nay, dân số thế giới đã tăng thêm 1 tỷ người và hiện ở mức gấp đôi dân số thế giới những năm 1960.

Về câu hỏi, những người dân quê đổ lên thành phố có thực sự tìm được cuộc sống tốt đẹp như họ mong muốn hay không, nhiều chuyên gia tỏ ra khá lạc quan. Nhà nhân khẩu học người Ôxtrâylia Bernard Salt cho rằng: "Nơi tốt nhất trên hành tinh này là các thành phố, nơi mà kiến thức và thông tin được lưu trữ, những ý tưởng được phổ biến". Còn Giáo sư Edward Glaeser của Đại học Havard (Mỹ), trong cuốn "Chiến thắng của thành phố: Làm thế nào để những sáng tạo lớn nhất giúp chúng ta giàu hơn, thông minh hơn, xanh hơn, khỏe hơn và hạnh phúc hơn" xuất bản năm 2011, đã kết luận rằng, với những người nghèo, thành phố rõ ràng là hấp dẫn và đem lại cho họ cơ hội thay đổi số phận một cách rõ ràng. Thành phố, từ xa xưa đến nay, vẫn được xem là động cơ chính thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế và Xã hội LHQ khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã cảnh báo rằng, đô thị cũng là nơi mà sự nghèo đói và sự chênh lệch mức sống thể hiện rõ nhất. Cụ thể, hơn 40% cư dân đô thị ở châu Á - Thái Bình Dương đang sống trong các khu ổ chuột, không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, các cơ hội mang lại thu nhập và cũng như các quá trình ra quyết định.

Việc chuyển từ nông thôn ra thành thị không tự mang đến sự thịnh vượng cho người dân. Có rất nhiều người đã bị "gạt sang bên lề hay nằm lại trên đường" như những gì đã diễn ra ở Anh trong cuộc cách mạng công nghiệp giai đoạn 1780 – 1840. Làn sóng di dân từ nông thôn ra thành thị đã kéo theo những hệ lụy không hề nhỏ: Những khu nhà ổ chuột với dịch bệnh, tội phạm, ô nhiễm... tràn lan; cơ sở hạ tầng quá tải; giao thông tê liệt... ADB cho biết, khách đến thăm nhiều thành phố ở châu Á đã bị sốc bởi tình trạng rác thải không được thu gom, tắc nghẽn giao thông, đội quân ăn xin và điều kiện sống tồi tàn tại nhiều khu vực rộng lớn.

Theo ADB, nếu không có chiến lược phát triển đúng đắn, các thành phố ở châu Á sẽ phải đối mặt với những vấn đề của của các đô thị tiêu thụ phương Tây hiện nay. Nguy cơ đó không còn xa, bởi theo dự báo dân số Trái Đất sẽ tăng lên 8 tỷ người vào ngày 15/6/2025.

Việt Tú (P/v TTXVN tại Inđônêxia)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN