Bạo động tiếp diễn tại Thụy Điển

Tình trạng bạo lực vẫn tiếp tục gia tăng tại Stockholm của Thụy Điển và một số khu vực lân cận, nơi có đa số người nhập cư sinh sống.

Rạng sáng 25/5, hai ôtô và nhiều cửa hàng tại Stockholm bị đốt phá. Mặc dù làn sóng bạo lực đã giảm so với 5 ngày trước đó, song cảnh sát cho biết bạo động lại lan tới thành phố Oerebro, nơi được coi là địa điểm nghỉ dưỡng thanh bình nhất của Thụy Điển, cách thủ đô 160 km về phía Tây. Hàng chục thanh niên đeo mặt nạ đã xuống đường đốt phá ôtô, trường học và tấn công một đồn cảnh sát gần đó.

Lính cứu hỏa dập lửa các xe bị đốt cháy trong vụ bạo động tại Rinkeby ngày 23/5/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Tại thị trấn Sodertalje, cách thủ đô gần một giờ lái xe, một tòa nhà cũ bỏ hoang cũng bị đốt cháy. Học sinh tại trường tiểu học ở Kista, ngoại ô Stockholm - khu vực được coi là trung tâm công nghệ thông tin, trụ sở của văn phòng của hãng thiết bị viễn thông Erricson, Microsoft tại Thụy Điển đã phải sơ tán do trường học bị đốt phá. Chính quyền Anh và Mỹ đã cảnh báo các công dân không nên đi tới những điểm nóng này.

Cảnh sát Thụy Điển đã phải kêu gọi hỗ trợ từ các thành phố Malmo và Gothenburg. Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt triệu tập cuộc họp khẩn cấp trong ngày 25/5 để thảo luận các biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực đã bước sang ngày thứ sáu liên tiếp.

Bạo động tại Thụy Điển bắt đầu nổ ra sau khi cảnh sát bắn chết một người đàn ông 69 tuổi tại thị trấn ngoại ô Husby trước đó ít lâu, làm dấy lên những chỉ trích về tình trạng bạo hành của cảnh sát. Một trong những nguyên nhân sâu xa khác là sự bất bình đẳng giữa nhóm người giàu chiếm đa số và những thanh niên nhập cư thiểu không tìm được việc làm và cảm thấy bị phân biệt trong xã hội.

Sau nhiều thập kỷ thực hiện chế độ an sinh xã hội hào phóng, từ thập kỷ 1990, Thụy Điển dần dần thu hẹp vai trò của nhà nước, một chính sách đã làm cho bất bình đẳng xã hội gia tăng nhanh nhất trong số các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Thụy Điển có mức sống của người dân thuộc hàng cao nhất châu Âu, nhưng nhiều chính phủ kế tiếp nhau đã không thể cắt giảm tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ, vốn ảnh hưởng mạnh nhất lên người nhập cư chiếm khoảng 15% dân số. Số liệu của OECD cho biết tỷ lệ thất nghiệp trong các cộng đồng này lên tới 16%, cao hơn nhiều so với mức 6% của người Thụy Điển gốc.


TTXVN/Tin tức

Bạo động 5 ngày liên tiếp tại Thụy Điển
Bạo động 5 ngày liên tiếp tại Thụy Điển

Khu vực ngoại ô thủ đô Xtốckhôm của Thụy Điển, nơi sinh sống của nhiều người nhập cư, ngày 24/5 đã trải qua ngày bạo động thứ 5 liên tiếp khi những kẻ nổi loạn phóng hỏa nhiều ô tô, trường học, cửa hàng, đồn cảnh sát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN