Ban điều hành IMF ủng hộ phân bổ 650 tỷ USD cho cơ chế SDR

Ngày 8/7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết ban điều hành của thể chế tài chính này đã nhất trí ủng hộ phân bổ 650 tỷ USD cho cơ chế Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) nhằm hỗ trợ các quốc gia chống lại đại dịch COVID-19 và phục hồi sau suy thoái kinh tế.

Chú thích ảnh
Trụ sở Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh các quốc gia đang nỗ lực phục hồi sau những thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, IMF đã cân nhắc phân bổ SDR - tài sản dự trữ quốc tế hỗ trợ các chính phủ bảo vệ nguồn dự trữ tài chính trước những biến động tiền tệ toàn cầu, cũng như giúp IMF tính toán các khoản vay và lãi suất. Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã tán thành đề xuất này.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết sẽ chuyển đề xuất phân bổ SDR nói trên - lớn nhất trong lịch sử 77 năm của IMF - cho Hội đồng thống đốc, gồm các đại diện của các nước thành viên. Bà mô tả việc phân bổ SDR này là "một liều thuốc bổ" đối với thế giới, giúp tăng tính thanh khoản và dự trữ tài chính của tất cả các nước thành viên, xây dựng lòng tin, cũng như thúc đẩy khả năng phục hồi và ổn định của nền kinh tế toàn cầu. Theo bà Georgieva, động thái này sẽ có tác động tích cực đối với mọi nước thành viên IMF và đặc biệt sẽ hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương củng cố năng lực ứng phó với cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19. Bà Georgieva cũng cho biết trong những tháng tới, IMF sẽ tích cực thảo luận với các nước thành viên để "xác định các lựa chọn khả thi theo đó các nước giàu hơn tự nguyện chuyển các SDR cho quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương hơn".

Trước đó cùng ngày, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Sáng kiến Ba Biển diễn ra ở thủ đô Sofia của Bulgaria, Tổng Giám đốc Georgieva đã công bố dự định của IMF phân bổ 650 tỷ USD cho cơ chế SDR, nhấn mạnh điều này có ý nghĩa quan trọng khi giúp "bơm" thêm tiền vào nguồn dự trữ tài chính của tất cả các nước thành viên để các nước này có thể triển khai những biện pháp tài khóa nhằm phục hồi kinh tế.     

Theo kế hoạch, trong cuộc họp vào ngày 10-11/7, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 sẽ thảo luận về các cơ chế đóng góp SDR cho các nước có thu nhập thấp, cũng như một số quốc gia thu nhập trung bình và dễ bị tổn thương và các quốc đảo nhỏ.

SDR ra đời năm 1969, được coi là loại tiền tệ quy ước của IMF sử dụng trong quan hệ tín dụng giữa quỹ với các nước thành viên hoặc giữa các nước với nhau. Phương tiện này có thể quy đổi thành một đồng tiền bất kỳ trong rổ - USD, euro, yen, bảng Anh và Nhân dân tệ - để đáp ứng nhu cầu cân bằng thanh toán của các nền kinh tế thành viên. IMF sử dụng SDR làm cơ sở cho các khoản vay khẩn cấp của thể chế tài chính này.

Việc phân bổ các SDR mới, nếu có hiệu lực, tương tự như cung cấp hạn mức tín dụng cho các quốc gia. Các nước chỉ cần đưa khoản SDR được phân bổ vào nguồn dự trữ của mình mà không cần phải chi tiêu. Điều này có nghĩa là các nước này sẽ không phải trả lãi suất cho khoản tiền phân bổ này hoặc họ có thể thanh lý chúng. SDR được phân bổ dựa theo quy mô nền kinh tế của một quốc gia và đóng góp của quốc gia đó vào dự trữ của IMF, vì vậy, các quốc gia giàu hơn sẽ nhận được nhiều hơn. Tuy nhiên, những quốc gia giàu có hơn không cần khoản phân bổ này có thể chuyển chúng cho những quốc gia nghèo hơn. 

Việc phân bổ SDR rất hiếm khi được thực hiện, lần gần đây nhất là trong cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2009, với con số phân bổ lên tới 250 tỷ USD.

Phương Oanh (TTXVN)
IMF cảnh báo tốc độ phục hồi kinh tế không đồng đều sau dịch COVID-19
IMF cảnh báo tốc độ phục hồi kinh tế không đồng đều sau dịch COVID-19

Ngày 5/7, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo tình trạng phục hồi không đồng đều giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới sau những tác động của đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN