“Chúng tôi xác nhận khí cầu không người lái là của Trung Quốc. Bị ảnh hưởng bởi thời tiết, với khả năng cơ động hạn chế, khinh khí cầu đã đi chệch hướng nghiêm trọng so với lộ trình dự kiến và vô tình đi vào không phận Mỹ Latinh và Caribe”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố ngày 6/2.
Bà Mao Ninh khẳng định Trung Quốc là quốc gia có trách nhiệm và luôn tuân thủ luật pháp quốc tế.
“Chúng tôi đã liên lạc với các bên liên quan và đang đưa ra giải pháp xử lý phù hợp, đồng thời sẽ không gây ra bất kỳ mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào”, bà nói.
Trước đó, ngày 4/2, Lực lượng không quân Colombia tuyên bố họ đã phát hiện vật thể có đặc điểm giống với khí cầu bay trên không phận nước này. Lầu Năm Góc hôm 3/2 cho biết họ cũng phát hiện một khinh khí cầu nghi của Trung Quốc bay qua Mỹ Latinh.
Theo kênh DW của Đức, tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi Mỹ bắn hạ khí cầu của Trung Quốc bay trên không phận nước này ở khu vực ngoài khơi Carolina hôm 4/2.
Ngay sau khi bắn hạ khinh khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc, hôm 5/2, Quân đội Mỹ cho biết giới chức đang tìm kiếm các mảnh vỡ ngoài khơi bờ biển Nam Carolina.
Tướng Glen Van Herck, Chỉ huy Bộ tư lệnh Phòng thủ Hàng không vũ trụ Bắc Mỹ và Bộ tư lệnh phương Bắc của Mỹ (NORTHCOM) cho biết hải quân nước này đang tìm kiến thu nhặt các mảnh vỡ khinh khí cầu bị hắn hạ. Trong khi đó, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ đang đảm bảo an ninh cho hoạt động này.
“Các thành viên của Quân đội Mỹ đang phối hợp để thu thập các mảnh vỡ. Tuy nhiên, các mảnh vỡ có thể trôi dạt vào bờ biển”, tuyên bố của Sở Cảnh sát hạt Horry cho biết.
Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Pete Buttigieg ,các mảnh vỡ của khí cầu nằm rải rác trên khu vực biển rộng khoảng 11 km. Giới chức thực thi pháp luật cảnh báo người dân không nhặt mảnh vỡ và liên hệ cho cơ quan chức năng nếu phát hiện vật thể.
Kênh CNN dẫn lời quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết nhiều tàu Hải quân và Cảnh sát biển Mỹ đang làm việc trong khu vực và bảo vệ hiện trường. Trước đó, ngày 2/2, Lầu Năm Góc tuyên bố họ đang theo dõi khinh khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc bay trên bầu trời Mỹ trong nhiều ngày.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết khinh khí cầu này đang tìm cách do thám các địa điểm chiến lược ở lục địa Mỹ.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đây là khí cầu được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, chủ yếu là nghiên cứu khí tượng. Tuyên bố khẳng định việc khinh khí cầu dân sự này xuất hiện trong không phận Mỹ là ngoài ý muốn, do ảnh hưởng của gió và khả năng tự điều chỉnh hạn chế nên khinh khí cầu đã đi chệch hướng quá xa so với lộ trình dự kiến.
Đến ngày 4/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho tiêm kích chiến đấu F-22 sử dụng tên lửa đối không để bắn hạ khí cầu của Trung Quốc khi nó đang bay trên biển.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 5/2 ra tuyên bố bày tỏ “hết sức bất bình và phản đối việc Mỹ sử dụng vũ lực tấn công khinh khí cầu dân sự”. Tuyên bố nhấn mạnh động thái này của Mỹ là “hành động quá mức và vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế”.