Australia: 'Chính sách phô trương cơ bắp của Trung Quốc phản tác dụng'

Việc Trung Quốc phô trương sức mạnh cơ bắp ở Biển Đông đang châm ngòi cho bất ổn tại khu vực và đẩy các nước láng giềng tiến gần hơn liên minh với Mỹ.

Đó là đánh giá của Bộ trưởng Truyền thông Australia Malcolm Turnbull, một trong những lời chỉ trích "mạnh mẽ” nhất từ Canberra về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Đông. Ông Turnbull nhìn nhận, lối hành xử kiểu “ức hiếp” gần đây của Bắc Kinh nhằm vào Việt Nam và Philippines “đơn giản chỉ là vô ích” đối với nỗ lực xây dựng lòng tin an ninh khu vực.

Hải quân Mỹ làm lễ kéo cờ khi tiến hành cuộc tập trận thường niên CARAT 2014 với Philippines. Ảnh: AFP


"Theo dõi cách thực thi chính sách của Trung Quốc, tôi cho rằng nó phản tác dụng; đó là cách phô diễn cơ bắp với một, nhiều hay tất cả các nước láng giềng ở những thời điểm khác nhau… Trung Quốc thực sự không có đồng minh tại khu vực và hệ quả là các nước láng giềng đang tiến gần quan hệ với Mỹ hơn bao giờ hết. Theo nhìn nhận của tôi, Trung Quốc với chính sách đối ngoại hiện thời đã thoát khỏi con đường mà họ theo đuổi suốt hơn một thập kỉ qua", Bộ trưởng Turnbull phát biểu tại cuộc hội thảo về an ninh và kinh tế tại Đại học Quốc gia Australia hôm 30/6.

Chính quyền Thủ tướng Tony Abbott đứng trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” về ngoại giao, giữa một bên là quan hệ liên minh thân thiết với Mỹ, còn bên kia là Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Trao đổi ngoại thương hai chiều đạt 133 tỉ USD năm 2013, với việc Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tới 36% lượng hàng xuất khẩu của Australia. Chính phủ của ông Abbott đang cố gắng kết thúc đàm phán về một hiệp định tự do thương mại với Bắc Kinh, cùng lúc tăng cường liên minh với Washington bằng việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện hợp đồng nâng cấp vũ khí trị giá nhiều tỉ đô-la ký hồi năm ngoái.

Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (Mỹ) Richard L. Simcock hồi đầu tháng 6 vừa qua đã hối thúc Canberra đảm nhận vai trò chính sách tích cực hơn ở Biển Đông và Hoa Đông, thông qua việc triển khai các tàu đổ bộ, tàu khu trục mới về phía Bắc, hợp cùng tàu chiến của Nhật Bản và Mỹ.

Lời chỉ trích của Bộ trưởng Turnbull được đưa ra cùng thời điểm Thủ tướng Abbott thông báo rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ có chuyến thăm tới Canberra trong tháng 7, trong bối cảnh hai nước gần đây đồng ý thúc đẩy hợp tác thương mại, an ninh nhằm tạo đối trọng trước một Trung Quốc đang trỗi dậy.


Hoài Thanh (Theo Wall Street Journal)
Toan tính của Trung Quốc ở Biển Đông trong cuộc đối đầu với Mỹ
Toan tính của Trung Quốc ở Biển Đông trong cuộc đối đầu với Mỹ

Biển Đông là “lá chắn tự nhiên” giúp Trung Quốc có được ưu thế phòng thủ trước Mỹ, cũng như khả năng tiếp cận với nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu khí và nguồn lợi thủy sản tại đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN