‘Át chủ bài’ giúp EU giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga?

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến châu Âu gấp rút tìm kiếm các giải pháp thay thế cho năng lượng của Nga, trong đó có phát triển năng lượng hạt nhân.

Theo bình luận của chuyên gia Lindsay Maizland trên trang web của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine. Một số nhà bình luận đã thúc đẩy việc phát triển năng lượng hạt nhân, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng quá trình chuyển đổi sẽ mất nhiều thời gian để có hiệu quả và chưa chắc giúp làm giảm sự phụ thuộc vào Nga. 

Chú thích ảnh
Nga cũng là cường quốc sản xuất điện hạt nhân. Ảnh: AA.com.tr

Nhiều nước EU vẫn dựa vào năng lượng nhập khẩu từ các nước bên ngoài. Nói chung, EU đã nhập khẩu hơn 60% năng lượng vào năm 2019. Phần lớn trong số đó đến từ Nga: nước này cung cấp 47% lượng than nhập khẩu và các nhiên liệu rắn khác của EU, 41% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu và 27% lượng dầu thô nhập khẩu của EU.

Nga cũng là một nguồn cung cấp năng lượng hạt nhân của EU. Năm 2020, 25% lượng điện của các nước EU là từ năng lượng hạt nhân. Pháp đã sản xuất hơn một nửa trong số đó, trong khi các nước không thuộc EU là Nga, Thụy Sĩ và Ukraine cùng cung cấp gần 1/4.

Hiện nay, khoảng một nửa số nước trong EU có khả năng sản xuất điện hạt nhân. Pháp có nhiều lò phản ứng hạt nhân hoạt động nhất, tiếp theo là Bỉ và Tây Ban Nha. Các quốc gia này có thể tăng cường sản xuất điện từ các lò phản ứng hiện có một cách tương đối nhanh chóng vì hầu hết các lò phản ứng thường không hoạt động hết công suất. Đây là một trong những giải pháp do Cơ quan Năng lượng Quốc tế đề xuất nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt tự nhiên của Nga. 

Để đáp ứng được nhu cầu, EU cần phải tăng số lượng các lò phản ứng hạt nhân, nhưng phải mất ít nhất một thập kỷ để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới. Kai Vetter, Giáo sư kỹ thuật hạt nhân tại Đại học Berkeley ở California cho biết: “Đó không phải là một giải pháp cho lúc này”.

Dự thảo kế hoạch giảm sự phụ thuộc của EU vào Nga do Ủy ban châu Âu đưa ra gần đây không đề cập đến năng lượng hạt nhân. Thay vào đó, Ủy ban đề xuất hợp tác với các quốc gia khác để đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt của mình; đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo, vốn đã tạo ra hơn một phần tư lượng điện của EU; và tăng cường dự trữ năng lượng, cùng một số giải pháp thay thế khác.

Nếu các nước EU quyết định chuyển sang sử dụng năng lượng hạt nhân thì rất có thể sẽ gặp khó khăn. Nga là một cường quốc trên thị trường điện hạt nhân: nước này cung cấp khoảng 35% uranium làm giàu cần thiết cho các lò phản ứng trên toàn thế giới và xây dựng nhiều lò phản ứng đã đi vào hoạt động trong những năm gần đây. Giáo sư Vetter nói: “Nga đã rất tích cực trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài”.

Trong khi đó, mặc dù cuộc xung đột Nga-Ukraine cho thấy nhu cầu đa dạng hóa các nguồn năng lượng của EU, nhưng các nước trong Liên minh này vẫn chia rẽ trong việc phát triển năng lượng hạt nhân.

Các quốc gia ủng hộ phát triển năng lượng hạt nhân như Pháp, Phần Lan và Ba Lan cho biết điều này rất quan trọng đối với việc chuyển đổi khỏi than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác. Họ cũng chỉ ra những tiến bộ công nghệ, chẳng hạn như các lò phản ứng mô-đun nhỏ, có thể rẻ hơn và dễ dàng vận hành hơn các nhà máy điện hạt nhân truyền thống. Ủy ban châu Âu sẽ quyết định xác nhận điện hạt nhân là nguồn năng lượng sạch hay không và cuối năm nay; nếu có, điều đó sẽ thúc đẩy đầu tư vào năng lượng hạt nhân trên toàn khu vực.

Tuy nhiên, một số quốc gia phản đối việc phát triển năng lượng hạt nhân, trong đó có Áo, Đức, Luxembourg và Bồ Đào Nha, với lo ngại về việc xử lý chất thải hạt nhân và các nguy cơ xảy ra tai nạn. Chi phí xây dựng và bảo trì các nhà máy điện hạt nhân cũng cao, cùng với sự phát triển của các nguồn năng lượng sạch như gió và mặt trời đã ảnh hưởng đến vai trò của năng lượng điện hạt nhân.

Sau thảm họa hạt nhân Fukushima của Nhật Bản năm 2011, Đức đã đẩy nhanh kế hoạch đóng cửa các lò phản ứng của mình. Ba lò phản ứng còn lại dự kiến sẽ đóng cửa trong năm nay. Khi cuộc xung đột ở Ukraine diễn ra, Đức đã đưa ra ý tưởng duy trì hoạt động, nhưng cuối cùng họ quyết định tiếp tục dừng hoạt động. Anh, hiện có 11 lò phản ứng có thể hoạt động, đang xem xét kéo dài thời gian hoạt động của một nhà máy điện hạt nhân thêm 20 năm.

Cuộc xung đột đang làm gia tăng lo ngại về một vụ tai nạn hạt nhân khi vào đầu tháng 3, các lực lượng Nga đã làm hư hại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Đông Nam Ukraine. 

Công Thuận/Báo Tin tức
Liệu Venezuela có thể giúp xoa dịu giá năng lượng toàn cầu?
Liệu Venezuela có thể giúp xoa dịu giá năng lượng toàn cầu?

Venezuela là quốc gia sở hữu trữ lượng dầu mỏ dồi dào nhưng đang chịu nhiều lệnh trừng phạt gây cản trở việc khai thác. Vậy trong tình hình nhiều biến động hiện nay khiến giá “vàng đen” trên thế giới tăng cao, Venezuela có thể ra tay “cứu nguy”?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN