ASEAN đạt nhất trí về vấn đề Biển Đông và không phổ biến vũ khí hạt nhân

Hội nghị các quan chức cấp cao thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN SOM) và Ủy ban Hiệp ước Khu vực phi vũ khí hạt nhân Đông Nam Á (SEANWFZ), diễn ra ngày 18/7 tại Trung tâm hội nghị quốc tế Bali của Inđônêxia, đã tập trung thảo luận, nhất trí nhiều nội dung chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM 44), Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 18 (ARF 18) và các hội nghị liên quan, cũng như các giải pháp cho vấn đề ký kết SEANWFZ. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh dẫn đầu đoàn quan chức cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị nêu trên.

Kéo cờ ASEAN và các nước tại nơi sẽ diễn ra hội nghị, ngày 17/7. AFP/TTXVN


Trong các phiên họp cùng ngày, các quan chức cấp cao ASEAN đã thảo luận, nhất trí hàng loạt nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề Biển Đông; tiến độ xây dựng Cộng đồng ASEAN trên ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội; kết nối ASEAN và thực hiện Hiến chương ASEAN; triển khai thành lập Viện hòa bình và hòa giải ASEAN; xem xét diễn biến quan hệ ASEAN với các đối tác và dự thảo Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về “Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng toàn cầu của các quốc gia”, quan hệ đối tác toàn diện ASEAN - Liên minh châu Âu (EU) cũng như những nội dung chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 6 (EAS 6).

Sau quá trình trao đổi tình hình, ý kiến về vấn đề Biển Đông và thực thi Tuyên bố của các bên về Qui tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC), các quan chức ASEAN thống nhất nội dung hướng dẫn thực thi DOC để trao đổi với Trung Quốc, với khẳng định DOC là văn bản quan trọng đối với hòa bình, ổn định trên Biển Đông.

Liên quan đến SEANWFZ, các đại biểu tham dự nhất trí ASEAN và năm cường quốc hạt nhân gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ sẽ nối lại đàm phán trực tiếp không chính thức, dự kiến vào tháng 8 tới tại Giơnevơ (Thụy Sĩ), sau khi tiến trình này bị gián đoạn gần một thập niên, với một trong những mục tiêu là tìm giải pháp để Mỹ có thể ký SEANWFZ. Các bên không có ý đưa ra thêm một đảm bảo an ninh cho khu vực vốn được sử dụng cho các mục đích kinh tế, thăm dò và khai thác được nêu trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, đặc biệt là khi các biên giới của một số khu vực này đang có tranh chấp.

Hiệp ước SEANWFZ bắt buộc các thành viên không phát triển, sản xuất, tiếp nhận, sở hữu hoặc kiểm soát các loại vũ khí hạt nhân, đồng thời không cho đồn trú hoặc vận chuyển vũ khí hạt nhân dưới bất cứ hình thức nào.

Việt Tú - Anh Ngọc (P/v TTXVN tại Inđônêxia)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN