Áp lực gia tăng, hàng loạt biện pháp trừng phạt Triều Tiên đang được cân nhắc

Nhằm ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và thử tên lửa, ba nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang cân nhắc áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với Bình Nhưỡng, bao gồm cả việc tước quyền đánh bắt cá, cấm vận dầu mỏ...

Một tàu đánh cá của ngư dân Triều Tiên.

Hãng thông tấn Yonhap dẫn một nguồn tin ngoại giao ngày 26/4 cho biết Mỹ và hai đồng minh châu Á sẽ sớm ra tuyên bố ngăn cản Triều Tiên bán quyền khai thác cá trong vùng biển của nước này cho các quốc gia khác, nếu như Triều Tiên tiếp tục chương trình phát triển bom hạt nhân hoặc phóng một tên lửa đạn đạo khác xuống Biển Nhật Bản.

Đề xuất cấm đánh bắt cá, dựa theo chương trình cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), nhằm giới hạn chặt hơn nữa dòng tiền từ nước ngoài chảy về Triều Tiên – mà Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá là chủ yếu được sử dụng để phát triển vũ khí, bao gồm bom hạt nhân.

Sau cuộc gặp ngày 25/4 với đại diện ba bên, Đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên của Hàn Quốc, ông Kim Hong-hyun cho biết các bên đã nhất trí sẽ đưa ra “hành động trừng phạt mạnh mẽ” nếu Triều Tiên tiếp tục có hành động khiêu khích.

Triều Tiên từng bán cho Trung Quốc quyền đánh bắt ở vùng biển của nước này. Nếu đề xuất của bộ ba Mỹ-Nhật-Hàn được thông qua có nghĩa Bình Nhưỡng sẽ bị tước đi quyền trên – một động thái không chắc chắn thành công nếu không có sự hợp tác của Trung Quốc.

Theo giới chức Mỹ, các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn cần xem xét bao gồm lệnh cấm vận dầu mỏ, cấm hãng hàng không của Triều Tiên hoạt động, chặn các tàu chở hàng và trừng phạt các ngân hàng nước ngoài hợp tác với Bình Nhưỡng.

Căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên từ đầu năm 2016, khi Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử hạt nhân và phóng thử một tên lửa đạn đạo mang vệ tinh. Đến tháng 9 năm ngoái, Bình Nhưỡng tiếp tục tiến hành một vụ thử hạt nhân khác và phóng thử hơn 20 tên lửa trong năm.


HĐBA LHQ đã ra một loạt nghị quyết cấm bất kỳ hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân nào của quốc gia Đông Bắc Á này. Tuy nhiên, Triều Tiên không công nhận những văn kiện này và khẳng định nước này có mọi quyền lợi để nâng cao năng lực quốc phòng trước chính sách thù địch hiện nay của Mỹ.

Mỹ điều nhóm tàu tấn công do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu áp sát Bán đảo Triều Tiên và hiện tàu sân bay bay này đã đến khu vực có thể vươn tầm bắn tới Triều Tiên, đồng thời chuẩn bị tham gia tập trận với tàu ngầm hạt nhân USS Michigan vốn đã cập cảng Hàn Quốc.

Hoàng Trang/Báo Tin Tức
Triều Tiên không sợ hãi và cũng không né tránh chiến tranh
Triều Tiên không sợ hãi và cũng không né tránh chiến tranh

Triều Tiên không sợ chiến tranh với Mỹ và chắc chắn Triều Tiên sẽ “giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh nguy hiểm chống lại đế quốc Mỹ".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN