Anh tìm cách giảm thiểu tình trạng thiếu lao động do biến thể Omicron lây lan

Chính phủ Anh đã yêu cầu các nhà quản lý lĩnh vực công thử nghiệm các kế hoạch chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là 25% nhân viên vắng mặt, nhằm giảm thiểu tác động của tình trạng bị gián đoạn hoạt động do biến thể Omicron đang lây lan rộng.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại London, Anh ngày 19/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Số ca nhiễm theo ngày tại Anh liên tiếp ghi nhận kỷ lục mới, và theo quy định, những người mắc COVID-19 phải cách ly ít nhất 7 ngày. Vì vậy, chính phủ dự báo các doanh nghiệp và khối dịch vụ công có thể phải đối mặt với nguy cơ đứt quãng trong vài tuần tới. Thông báo của chính phủ nêu rõ: "Đến nay sự đứt quãng do biến thể Omicron gây ra đang được kiểm soát ở hầu hết lĩnh vực công, nhưng lãnh đạo các cơ quan công quyền cần thử nghiệm các kế hoạch cho các kịch bản xấu nhất, khi vắng 10%, 20%, 25% nhân viên".

Thủ tướng Boris Johnson yêu cầu các bộ trưởng giám sát chặt chẽ với các lĩnh vực thuộc ngành mình quản lý để xây dựng các kế hoạch khẩn cấp vững vàng, phối hợp với các nỗ lực ứng phó của chính phủ.

Tác động của sự lây lan biến thể Omicron lên lực lượng lao động trong các chuỗi cung ứng, dịch vụ công, và các trường học đang được giám sát chặt chẽ. Các biện pháp giảm thiểu tác động bao gồm kêu gọi người dân tự nguyện, như các giáo viên về hưu có thể trở lại làm việc.

Văn phòng Chính phủ Anh nêu rõ: "Cần xác định các quy định, chính sách hoặc các thay đổi trong cách vận hành có thể áp dụng để giảm thiểu hoặc giảm nhẹ các tác động tiềm ẩn".

* Trong khi đó, tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho biết thời gian cách ly đối với những người nhiễm đã tiêm đủ vaccine sẽ được giảm từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, và có thể chấm dứt cách ly sau 5 ngày nếu có xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, những người chưa tiêm phòng vẫn phải cách ly 10 ngày nếu nhiễm virus, và có thể hết cách ly sau 7 ngày nếu có kết quả âm tính.

Trả lời phỏng vấn của báo Le Journal du Dimanche, ông Veran cũng cho rằng biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm quá cao, đến mức cần tái áp dụng "phong tỏa nghiêm ngặt". Trước đó, trong thông điệp mừng Năm mới, Tổng thống Emmanuel Macron dự báo vài tuần tới sẽ rất khó khăn, song cho biết ông không có ý định siết chặt các biện pháp phòng dịch hơn nữa. 

Bộ trưởng Veran cho rằng "chúng ta sẽ phải cảnh giác đến hết tháng 1", đồng thời dự báo đợt lây lan dịch do biến thể Omicron sẽ có thể là đợt cuối cùng.

Bích Liên (TTXVN)
Thế giới đẩy mạnh tiêm liều vaccine COVID-19 tăng cường
Thế giới đẩy mạnh tiêm liều vaccine COVID-19 tăng cường

Các biến thể Delta và Omicron đang khiến hàng loạt quốc gia trên thế giới có ca mắc COVID-19 mới tăng kỷ lục trong những ngày qua, kể cả những nước đã có tỷ lệ dân số tiêm chủng cao. Trước tình trạng này, nhiều nước trên thế giới như Israel, Mỹ, cùng nhiều nước ở châu Âu, châu Á đã thực hiện và thúc đẩy tiêm vaccine mũi tăng cường. Biểu đồ sau đây thể hiện số liều vaccine COVID-19 tăng cường trên 100 dân ở nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN