Phát biểu tại một phiên điều trần của Quốc hội Anh, Thủ tướng May nhấn mạnh chính phủ và các công ty của Anh có thể cần thêm thời gian để thích nghi. Bà May muốn ám chỉ rằng nước Anh cần một quá trình chuyển tiếp để tiến trình rời khỏi "mái nhà chung" EU diễn ra thuận lợi hơn. Thủ tướng Anh nêu rõ: "Tôi mong muốn chúng ta có thể đàm phán được một thỏa thuận đưa Anh ra khỏi EU trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, cần lưu ý trường hợp một số thực tiễn đòi hỏi phải cần một giai đoạn thực hiện sau đó".
(Từ trái sang): Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz và Thủ tướng AnhTheresa May trước Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels ngày 15/12. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho rằng thỏa thuận như trên sẽ rất "hữu ích" để nước Anh có thể thích nghi giữa vị trí hiện tại và vị trí tương lai đối với EU.
Theo ông Hammond, thỏa thuận này sẽ giúp quá trình chuyển tiếp "suôn sẻ hơn" và có thể hạn chế tối đa những rủi ro đe dọa sự đổ vỡ thỏa thuận, đặc biệt là những rủi ro do sự ổn định tài chính - một mối quan ngại rất lớn trong hoàn cảnh hiện nay.
Hồi tháng 11, Thủ tướng Anh Theresa May cũng đã ngụ ý cần một hiệp định chuyển tiếp liên quan đến Brexit vì nước Anh không muốn một "kịch bản phiêu lưu" - một sự chuyển tiếp đột ngột và chóng vánh ảnh hưởng đến các mối quan hệ thương mại.
Trong một diễn biến liên quan đến vấn đề Brexit, Thủ hiến Scotland. Nicola Sturgeon ngày 20/12 đã công bố các kế hoạch nhằm duy trì vai trò của Scotland trong thị trường chung EU sau Brexit, đồng thời bà cũng muốn Scotland tách ra khỏi Anh và trở thành quốc gia độc lập nằm trong EU.
Phát biểu trong buổi công bố tài liệu mang tên "Vị trí của Scotland tại châu Âu" bao gồm nhiều đề xuất cụ thể, bà Sturgeon nêu rõ: "Chúng tôi quyết tâm duy trì vị trí hiện tại của Scotland trong thị trường chung EU" hậu Brexit.
Theo Thủ hiến Scotland, một "vị trí phân biệt", như các quy định áp dụng đối với các quốc gia thành viên ngoài EU của Hiệp định Thương mại tự do châu Âu (EFTA) và Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), hoàn toàn có thể được áp dụng đối với Scotland.
Bà Sturgeon nhấn mạnh người dân Scotland không bỏ phiếu ủng hộ Brexit và kịch bản "Brexit cứng" có thể gây tổn hại nghiêm tới các lợi ích kinh tế, xã hội và văn hóa của Scotland, đồng thời cho rằng 80.000 việc làm của người Scotland sẽ mất nếu Anh rời khỏi thị trường chung EU.
Trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 6 vừa qua, hơn 60% người dân Scotland đã bỏ phiếu ở lại EU. Do đó, ngay sau cuộc trưng cầu dân ý trên với phần thắng nghiêng về phe Brexit, Thủ hiến Scotland nhiều lần khẳng định Scotland không muốn rời khỏi EU và quyết tâm ở lại liên minh này.
Scotland đã có lịch sử 300 năm nằm trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Tháng 9/2014, Scotland đã tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập, song đa số cử tri vùng này đã nhất trí tiếp tục ở lại trong Vương quốc Anh.