Phát biểu tại một hội nghị quốc tế về chủ nghĩa khủng bố tại Herzliya ngày 9/9, quan chức chống khủng bố cấp cao, thuộc Cảnh sát Anh, Neil Basu cho biết so với trước đây, các phần tử khủng bố dễ dàng lên kế hoạch và thực hiện các vụ tấn công hơn, trong khi các lực lượng an ninh khó phát hiện hơn. Ông đã giới thiệu chương trình chống khủng bố của Anh mang tên "Prevent" (Ngăn ngừa) có sự phối hợp của một số cơ quan chính phủ, bao gồm cả các cơ quan dịch vụ xã hội.
Chương trình được thiết kế để khoanh vùng và phát hiện những đối tượng dễ bị những tổ chức bạo lực cực đoan dụ dỗ, chiêu mộ. Chương trình này nhằm phá vỡ vòng xoáy bạo lực cực đoan bằng cách tuyên truyền cho các cá nhân và cộng đồng chủ động nhận diện và tránh xa những kẻ truyền bá tư tưởng cực đoan và nhận biết những người dễ bị cực đoan hóa. Ông Basu nhấn mạnh kinh nghiệm hỗ trợ các chương trình hội nhập xã hội sẽ giúp ngăn chặn tình trạng bạo lực cực đoan. Ông đồng thời dẫn một nghiên cứu của Tây Ban Nha cho thấy những người có quan điểm cực đoan sẽ dễ phát sinh hành động bạo lực khi họ cảm thấy bị xa lánh.
Những đối tượng mà cảnh sát Anh cho là có nguy cơ cao bao gồm những người từng tham chiến ở nước ngoài, những người sống đơn độc, người có vấn đề về tinh thần và chủ nghĩa khủng bố cánh hữu. Quan chức chống khủng bố Anh cho biết 7 trong tổng số 22 âm mưu tấn công mà lực lượng an ninh Anh triệt phá từ tháng 3/2017 đều liên quan tới chủ nghĩa khủng bố cánh hữu. Một trong những vụ tấn công điển hình mà ông Basu cho là xuất phát từ chủ nghĩa này là vụ tấn công tại hai nhà thờ ở thành phố Christchurch, New Zealand, khiến hơn 50 người thiệt mạng hồi tháng 3 vừa qua.